Thứ Hai, 29/04/2024 12:41:46 GMT+7

Tin đăng lúc 17-11-2015

Lượt xem: 2961

Bình ổn giá: Đã “bình” nhưng chưa...“ổn”

Tại báo cáo đánh giá chính sách bình ổn giá của Việt Nam vừa được Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Cơ quan Phát triển quốc tế Úc tài trợ) công bố cho thấy, người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít hoặc không thực sự có nhiều ấn tượng với chương trình và các mặt hàng bình ổn giá.
Bình ổn giá: Đã “bình” nhưng chưa...“ổn”
Dường như các chính sách bình ổn giá của Việt Nam chưa đem lại hiệu quả thiết thực nên đến nay người tiêu dùng cho rằng vẫn chưa hưởng lợi được nhiều.

Đánh giá về hoạt động của Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, theo báo cáo, thực chất, nguồn trích lập vào Quỹ bình ổn cấu thành nên giá bán xăng dầu. Do đó, điều này cũng giống như người mua mất thêm tiền để BOG cho mình trong tương lai, hay chính xác hơn là kéo sự tăng giá trong tương lai về hiện tại.

 

Cho tới thời điểm hiện nay, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được cho là hoạt động thiếu công khai, minh bạch và việc hình thành và duy trì quỹ này không có mấy tác dụng đối với mục tiêu chính là bình ổn giá.

 

Người dùng chưa hưởng lợi

 

Với động thái tăng thuế nhập khẩu và sau đó là tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít (từ 1/5/2015), báo cáo cho rằng: Điều này cũng đồng nghĩa với việc chặn sự lan tỏa do giá xăng dầu thế giới giảm đến nền kinh tế, vì xăng dầu giảm sẽ lan tỏa đến ngành vận tải và các ngành khác trong nền kinh tế, từ đó dẫn tới tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế tăng lên.

 

“Có thể nói động thái này đã đi ngược lại mục tiêu BOG không chỉ của mặt hàng này mà còn tất cả các mặt hàng được sản xuất trong nước. Nguy hiểm hơn nữa là nó có thể chặn đà tăng trưởng của nền kinh tế”, báo cáo nhận xét.

 

Đối với giá điện, báo cáo cho rằng: Giá bán điện hiện nay ở Việt Nam không phải là thấp. Tính chất bình ổn của giá điện trong những năm vừa qua không cao, làm tăng gánh nặng chi tiêu cho người dân và chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp.

 

Do vậy, báo cáo đánh giá, người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít hoặc không thực sự có nhiều ấn tượng với chương trình và các mặt hàng BOG hiện nay. Mặt khác, những người sản xuất không là đối tượng hưởng lợi từ chương trình này, chỉ một số ít những đối tượng của chương trình BOG (chủ yếu là khâu trung gian) thực sự có lợi ích từ những ưu đãi khi tham gia chương trình bình ổn giá.

 

Có điều đây không phải lần đầu tiên lợi ích của các chương trình BOG được đánh giá thiếu tích cực, đi ngược lại mục đích ban đầu. Như tại báo cáo Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 7/2015 cũng cho thấy hiệu quả của chính sách BOG được nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn.

 

Kết quả cho thấy, tỷ lệ người đánh giá chương trình này hiệu quả chỉ ở mức trung bình. 47% tổng số người trả lời CAMS 2014 cho biết chương trình này là rất hiệu quả/khá hiệu quả, (trong đó, chỉ có khoảng 6% đánh giá là rất hiệu quả).

 

Ngược lại, có tới 50% đánh giá hoàn toàn không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít. Đặc biệt là đánh giá mức độ hiệu quả của chương trình BOG, không có sự khác biệt nhiều giữa các nhóm theo trình độ học vấn.

 

8 loại hàng hóa thiết yếu nằm trong chương trình BOG là thuốc phòng/chữa bệnh, điện, xăng dầu, nước sạch, gas, sữa, gạo, thực phẩm. Mặt hàng mà nhiều người trả lời cho biết có được hưởng lợi (nước sạch) cũng không vượt quá 20% tổng số người trả lời.

 

Bức xúc giá xăng, điện, sữa

 

Đồng thời, xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỷ lệ người trả lời cho biết ít/không hưởng lợi là cao nhất (66%). Tiếp đến là sữa (60%), gas (59%), điện (58%), thuốc phòng bệnh chữa bệnh thiết yếu (55%).

 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng dù đã có sự can thiệp của Nhà nước nhưng tỷ lệ người dân biết đã được hưởng lợi vẫn thấp, có thể việc Nhà nước can thiệp chưa đem lại kết quả mong muốn là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho xã hội nói chung.

 

Đối với xăng dầu, Bộ Công Thương khi xây dựng và phê duyệt Nghị định số 83/2014 vẫn quyết định kế thừa công cụ Quỹ bình ổn xăng dầu trong điều hành giá xăng dầu từ nghị định trước. Tuy nhiên, xung quanh việc tồn tại Qũy BOG giá xăng dầu vẫn đang gây ra những ý kiến trái chiều, bởi từ khi có quỹ, dường như người tiêu dùng chưa hề được hưởng thêm bất cứ một lợi ích nào.

 

Ví dụ: giá xăng RON 92 sau 15 giờ ngày 19/8 được điều chỉnh giảm 768 đồng/lít, xuống mức giá bán lẻ cho phép không cao hơn 18.536 đồng/lít. Cùng với xăng, dầu diesel có giá không cao hơn 13.421 đồng/lít, giảm 441 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 12.409 đồng/lít, giảm 703 đồng/lít. Dầu ma-dút giảm 736 đồng/kg, còn 10.136 đồng/kg. BOG tiếp tục được trích lập đồng loạt 300 đồng/lít và ngừng chi với tất cả mặt hàng. Như vậy, nếu bỏ được khoản trích lập BOG thì người dân sẽ có cơ hội hưởng giá xăng, dầu các loại giảm thêm 300 đồng/lít so với mức giảm trên.

 

Do vậy, theo các chuyên gia, bình ổn tức là khi giá thế giới lên, ta giữ giá trong nước không quá cao bằng cách xả quỹ; lúc giá thế giới xuống, ta trả lại quỹ thông qua trích lập ở giá xăng. Như vậy, giá xăng sẽ ổn định ở mức nào đó. Nói thế tức là Quỹ BOG chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống một cách nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được.

 

Với mặt hàng sữa, ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079 để bình ổn giá đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, 25 nhãn hàng sữa bị áp giá tối đa (giá trần) đảm bảo BOG sữa. Một năm sau, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Quyết định số 857/QĐ-NTC áp giá trần đối với 25 nhãn hàng sữa đến hết năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng khẳng định vẫn chưa được hưởng lợi gì nhiều từ các chương trình này.

 

Đối với giá điện, người tiêu dùng cũng đang phản ánh giá điện hiện nay đang tồn tại nhiều bất hợp lý khi ngày càng tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Trong khi đó, chất lượng điện tại một số nơi còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân. Đặc biệt, biểu giá điện lũy tiến với 6 bậc thang như hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm bất cập khiến người dân phải chịu thiệt thòi.

 

 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 

Người dân kỳ vọng rất lớn về vai trò của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, tình trạng lưỡng thể của nền kinh tế nhất là khi sự đánh giá hiệu quả của chương trình bình ổn giá chưa cao. Để đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, như mục đích của chương trình bình ổn giá, có lẽ cần có cách làm, thậm chí là chính sách mới hiệu quả và minh bạch hơn.

 

Ts. Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia xăng dầu

 

Sự thiếu minh bạch đã làm người tiêu dùng không thấy được BOG phát huy tác dụng nên ngay cả khi nó phát huy tác dụng thì chúng ta cũng không nhìn ra được điều đó. Bởi vậy, muốn duy trì BOG thì phải có cơ chế minh bạch, nếu không thì nên bỏ quỹ này. Như đối với quỹ QBG xăng dầu, tôi nghiêng về phương án loại bỏ BOG khỏi cơ cấu giá xăng.

 

Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

Theo tôi, vấn đề thị trường, giá cả chưa thật phù hợp theo cơ chế thị trường nên sự can thiệp có khi là phản thị trường. Giá do Nhà nước kiểm soát, trong khi chuyển sang kinh tế thị trường, phải thiết lập được thể chế để thị trường vận hành. Chục người mua, một người bán không còn là thể chế thị trường. Do vậy, phải thiết lập được thể chế thị trường đã, rồi Nhà nước can thiệp vào đâu mới tính.

 

 
 
Theo Thời báo kinh doanh

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang