Thứ Sáu, 03/05/2024 03:42:49 GMT+7

Tin đăng lúc 26-10-2022

Lượt xem: 1695

Bình Dương: Sẵn sàng đón đầu chuỗi cung ứng toàn cầu

Những năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi nền kinh tế cả nước bắt đầu đà hồi phục mạnh mẽ, Bình Dương cũng chủ động tận dụng cơ hội để đón chào những làn sóng đầu tư mới.
Bình Dương: Sẵn sàng đón đầu chuỗi cung ứng toàn cầu
Một số DN ở các KCN đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị

Theo các số liệu thống kê, đến nay, Bình Dương đã thu hút được 4.047 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 39,5 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Sự bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại địa phương. Nhằm tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử.

 

Trên thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, CNHT của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, gồm 442 DN dệt may; 172 DN da giày; 593 DN chế biến gỗ và 710 DN cơ khí.

 

Trên địa bàn đã có nhiều DN CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trên diện tích 42 ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô; hoặc Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

 

Một số DN ở các KCN đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern…; sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active…

 

Mới đây, Tập đoàn LEGO vừa đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương để thực hiện dự án. Đại diện tập đoàn LEGO cho biết, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua với hạ tầng phù hợp trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế, phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, bền vững của Tập đoàn LEGO.

 

 

Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) phát triển hài hòa và đồng bộ 

 

Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí và CNHT (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) cho biết, tham gia chuỗi cung ứng THACO Industries đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều hãng ô tô nổi tiếng như KIA, Mazda, Peugeot... Hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó xuất khẩu đạt 500 triệu USD, THACO Industries sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, tập trung phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước. “THACO Industries sẵn sàng liên kết, hợp tác với các DN vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đỗ Minh Tâm nhấn mạnh.

 

Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương đang chủ động tận dụng cơ hội để đón làn sóng đầu tư mới đang chuyển dịch mạnh mẽ của toàn cầu. Tỉnh đang quy hoạch hàng nghìn ha khu công nghiệp, đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối liên kết vùng như đầu tư các công trình trọng điểm giao thông để tạo sự thông thoáng, mở rộng không gian phát triển, phục vụ các nhà đầu tư trong thời gian tới.

 

Để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đang gia tăng và sự bùng nổ của CMCN 4.0, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Dương đã xác định: "Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".

 

Do đó, Bình Dương đang tập trung rất mạnh mẽ thực hiện Đề án Thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, tập trung phát triển các dự án khu công nghiệp theo hướng chú trọng vào khoa học công nghệ, nghiên cứu hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ, để thu hút tất cả DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động… từ đó tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành chuỗi cung ứng đa dạng, chặt chẽ, góp phần đưa công nghiệp Bình Dương ngày càng phát triển chất lượng và bền vững hơn.

 

Thế Ngọc

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang