Thứ Hai, 29/04/2024 09:07:10 GMT+7

Tin đăng lúc 10-04-2016

Lượt xem: 2637

Ba vấn đề lớn cần phải đánh giá kỹ trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015

Năm 2015 - Năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 5 năm 2011 - 2015 đã khép lại. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2015 là cơ sở và động lực cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Ba vấn đề lớn cần phải đánh giá kỹ trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015
Xuất khẩu cao su giảm 24,1%

Kinh tế - xã hội năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những sự bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Triển vọng kinh tế Eurozone chưa thật lạc quan. Thương mại toàn cầu sụt giảm do tổng cầu yếu. Kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm. Giá dầu thô giảm mạnh dẫn đến giá hàng hóa có xu hướng giảm nhanh, ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu. Sự bất ổn của tài chính, tiền tệ thế giới với việc giảm giá đồng Nhân dân tệ với tăng trưởng sụt giảm của kinh tế Trung Quốc đã tác động tới kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, do giá dầu giảm gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước, nhưng cũng là yếu tố thuận lợi cho việc giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất và kích thích tiêu dùng. Với bối cảnh đó, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 cũng có nhiều gam màu khác nhau, mặc dù không phải là nhạt nhòa, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần mổ xẻ, bóc tách để thời gian tới hoạt động này mang lại nhiều kết quả tích cực hơn. Những vấn đề đó là:

 

Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

 

Tính chung cả năm 2015, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Với chỉ tiêu Quốc hội đề ra 10%, thì đó là một trong những chỉ tiêu không đạt. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua (năm 2010 tăng 26,5%; năm 2011 tăng 34,2%; năm 2012 tăng 18,2%; năm 2013 tăng 15,3%; năm 2014 tăng 13,8%). Sau 3 năm liên tục xuất siêu, đến năm 2015 Việt Nam lại quay về tình trạng nhập siêu (năm 2012 xuất siêu 748,8 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 0,3 triệu USD; năm 2014 xuất siêu 2,4 tỷ USD). Nguyên nhân xuất khẩu giảm có nhiều lý do, nhưng chủ yếu do chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước, bình quân chung giảm 3,8%, trong đó dầu thô giảm 53%; xăng dầu giảm 49,8%; cao su giảm 24,1%, sản phẩm cao su giảm 14%; than đá giảm 10%; gạo giảm 8,1%; cà phê giảm 6,4%; rau quả giảm 3,4%; thủy sản giảm 2,5%; quặng và khoáng sản giảm 2,4%. Đồng thời, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh: Cà phê giảm 24,3%; hạt tiêu giảm 14,7%; chè giảm 6%.

 

 

Xuất khẩu cà phê giảm 6,4%

 

Thứ hai, các doanh nghiệp nội ngày càng “yếu thế” so với doanh nghiệp FDI.

 

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2015 thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 9,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Nếu không tính dầu thô, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Trong khi đó, doanh nghiệp nội ngày càng tỏ ra “yếu thế” trên sân nhà. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nội năm 2015 chỉ đạt khoảng 47,3 tỷ USD (bằng 41% của doanh nghiệp FDI), giảm 3,5% so với năm trước, làm giảm 1,2 điểm phần trăm của mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2015. Về nhập khẩu, trong tổng kim ngạch 165,6 tỷ USD thì doanh nghiệp FDI chiếm 98  tỷ USD, doanh nghiệp nội chiếm 67,6 tỷ USD, như vậy, doanh nghiệp nội nhập siêu 20,3 tỷ USD, còn doanh nghiệp FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý là nhập khẩu một số mặt hàng không khuyến khích lại tăng mạnh làm “chảy máu” ngoại tệ, điển hình như nhập khẩu 125 ngàn chiếc ô tô trị giá hơn 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp nội cũng “yếu thế” về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo kim ngạch xuất khẩu cao. Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực FDI với tỷ trọng cao như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%, điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98,2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,5%, giày dép chiếm 79,7%, hàng dệt may chiếm 60,4%.

 

Thứ ba, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chưa tránh khỏi vòng luẩn quẩn là phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

 

Mười lăm năm qua, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Trung Quốc và kim ngạch nhập siêu ngày càng tăng nhanh. Năm 2001: 0,2 tỷ USD; năm 2002: 0,7 tỷ USD; năm 2003: 1,2 tỷ USD; năm 2004: 1,7 tỷ USD; năm 2005: 2,7 tỷ USD; năm 2006: 4,2 tỷ USD; năm 2007: 9,1 tỷ USD; năm 2008: 11,1 tỷ USD; năm 2009: 10,0 tỷ USD; năm 2010: 12,5 tỷ USD; năm 2011: 13,3 tỷ USD; năm 2012: 16,2 tỷ USD; năm 2013: 23,7 tỷ USD; năm 2014: 29 tỷ USD. Năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 49,3 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và là thị trường lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ nhập khẩu hàng hóa. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện... Nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng trong nhiều năm nay, nguyên nhân là do nền sản xuất của chúng ta vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ thị trường này, trong đó có khá nhiều ngành phải nhập đến 90% nguyên liệu từ Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề cần phân tích đánh giá kỹ, vì phụ thuộc quá lớn và lâu dài vào một thị trường sẽ gây nên những hậu quả khôn lường nếu xảy ra những biến động không kiểm soát được. Hơn nữa, đây cũng trái với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

 

Năm 2016 đã đến. Thời cơ và thách thức cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt khi một loạt các Hiệp định TPP, FTA, AEC bắt đầu có hiệu lực. Lĩnh vực xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ có những bước biến chuyển mới.

 

 Hà Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang