Thứ Sáu, 03/05/2024 19:20:50 GMT+7

Tin đăng lúc 14-11-2015

Lượt xem: 3663

90% DNNN cổ phần hóa - Kết quả có thể chấp nhận được

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đánh giá như vậy khi nhìn lại kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước - một trong những công việc trọng tâm của tái cơ cấu doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2011 tới nay.
90% DNNN cổ phần hóa - Kết quả có thể chấp nhận được
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Ảnh VGP/Thành Chung

Chiều 13/11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

 

Như Cổng TTĐT Chính phủ đã đưa tin, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết trong năm 2015, cả nước dự kiến sẽ cổ phần hóa 210 DN, nâng số lượng DNNN cổ phần hóa lên 459 DN, đạt 90% kế hoạch của giai đoạn 2011-2015.


Thoái vốn Nhà nước phải đạt hiệu quả cao nhất

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng ngay từ thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải quyết tâm thực hiện cổ phần hóa thành công với các DN đã được xác định có thể hoàn thành trong năm nay. Còn với các DN khác cũng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. 
 

“Đưa lên thị trường phải bán được, đưa nhiều quá thì cung vượt cầu lại khó”, Phó Thủ tướng nói.

 

Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu với khoảng 80 DNNN, lẽ ra phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 nhưng hiện nay mới đang xác định giá trị DN thì vẫn phải tiếp tục thực hiện để tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm 2016.

 

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN từ 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: “Con số trên dưới 90% doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa cũng có thể chấp nhận được”.

 

Trong lĩnh vực thoái vốn Nhà nước, tính lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28/10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỉ đồng (trên tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 7.746 tỉ đồng, thu về 13.330 tỉ đồng.

 

Phó Thủ tướng cho rằng: “Bước đầu đạt được yêu cầu về bảo toàn và gia tăng giá trị đồng vốn của Nhà nước”. 
 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “DNNN đầu tư ngoài ngành là không sai vì luật cho phép, nhưng không hay ở chỗ phải làm tốt nhiệm vụ chính rồi mới làm công việc khác. Trong khi đó có đơn vị làm việc chính chưa tốt mà đã đầu tư việc phụ. Ngoài ra khi đầu tư ra ngoài DN tính toán chưa tốt, lại vào thời điểm bất động sản tăng giá, chứng khoán tăng điểm, ngân hàng hoạt động 'hiệu quả' nên có chuyện này chuyện kia”.

 

Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các DNNN “tiếp tục thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn có lộ trình để không làm mất vốn Nhà nước. Tuy nhiên, những đơn vị nào đầu tư vốn vào DN khác mà càng để càng lỗ thì phải bán càng nhanh càng tốt. Thực tế ta đã giải quyết được những việc này rồi”.

 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các DNNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện lộ trình thoái vốn sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tổng kết việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm tới đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

“Sắp xếp, đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp ta mới lần đầu làm. Việc phân loại đơn vị sự nghiệp để sắp xếp, đổi mới thì làm tương tự làm như cổ phần hóa DNNN. Ta cứ đưa ra làm thì dần dần hoàn chỉnh chính sách”.

 

Phó Thủ tướng đánh giá cao một số bộ, ngành, địa phương hết sức tích cực trong đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm nay TP. Hà Nội đã đổi mới, giao quyền tự chủ cho 32 đơn vị.

 

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giao thông thủy, bộ và Bệnh viện Giao thông vận tải, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện tiếp ở các đơn vị khác.

 

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần tổng kết việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công, đảm bảo việc cung cấp ra xã hội dịch vụ công có chất lượng cao hơn trước và bền vững.

 

Với các trường hợp tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa mà có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thì hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao về bộ hoặc UBND các tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương tập trung thực hiện ngay cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16 của Chính phủ hoặc chuyển thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22 của Thủ tướng trên tinh thần Nhà nước không bổ sung vốn.

 

Về xử lý tiền bán cổ phần vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp trực thuộc phải nộp về tập đoàn hoặc Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC. Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung vốn cho địa phương sắp xếp, đổi mới DN nhưng địa phương phải lập phương án cụ thể để các bộ thẩm định và tiếp tục cấp vốn.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về tỉ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại các lĩnh vực để làm căn cứ cho các địa phương, bộ, ngành triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang