Thứ Bẩy, 27/04/2024 06:19:40 GMT+7

Tin đăng lúc 25-01-2022

Lượt xem: 846

1 tuần trước Tết Nguyên đán: Thị trường hàng hóa dồi dào, giá ổn định

Chỉ còn 1 tuần nữa là Tết Nguyên đán 2022, nhưng thị trường hàng hóa không biến động, giá cả vẫn ổn định, nhiều mặt hàng phong phú.
1 tuần trước Tết Nguyên đán: Thị trường hàng hóa dồi dào, giá ổn định
Các siêu thị chuẩn bị nhiều hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết

Nguồn cung hàng hóa sát Tết dồi dào

 

Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Hàng hóa phục vụ Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm nên nguồn cung dồi dào, đa dạng. Theo đánh giá của các địa phương và doanh nghiệp, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao nhưng nguồn cung thịt lợn sẽ được các doanh nghiệp cung ứng từ nguồn trong nước và nhập khẩu nên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Đánh giá về nhu cầu tiêu dùng Tết, bà Nga cho hay: Năm 2021, do tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, người dân bị giảm sút mạnh, nhất là của các ngành dịch vụ, thu nhập giảm ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa. Bên cạnh đó, do lo ngại về dịch bệnh nên các hoạt động lễ hội, du lịch, giải trí cũng tiếp tục bị hạn chế hơn những năm trước. Tuy nhiên, hiện cả nước đang thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ nên đã góp phần ổn định tâm lý của người dân; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang phục hồi dần cùng với các chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ nên dự kiến nhu cầu hàng hóa tháng 1 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

 

“Dự kiến sức mua hàng hóa nói chung sẽ tương đương hoặc giảm 1-3%,  trong đó các mặt hàng phục vụ Tết sẽ tương đương so với cùng kỳ năm trước và vẫn tăng khoảng 10% so với các tháng thường. Về xu hướng giá cả: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., các địa phương trên cả nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp, tiểu thương có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo, trong khi nhu cầu sẽ không tăng đột biến nên nguồn cung hàng hóa Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn”- bà Lê Việt Nga nói.

 

Giá thực phẩm ổn định, thịt lợn được đưa vào nhóm bình ổn thị trường

 

Bà Lê Việt Nga cũng thông tin, riêng đối với mặt hàng thịt lợn, theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, chương trình bình ổn thị trường năm nay của các địa phương tiếp tục chú trọng đến công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn nên nguồn cung mặt hàng này sẽ được tăng cường trong dịp Tết để đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Thời gian vừa qua, do các chi phí đầu vào tăng (thức ăn, các loại thuốc phòng dịch, chi phí vận chuyển...), cùng với việc nhu cầu thịt lợn giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán tăng, giá thịt lợn tại các nước lân cận tăng nên giá lợn thịt và thịt lợn trong nước có xu hướng tăng. Đến giai đoạn cận Tết, theo quy luật các năm, giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng nhưng mức tăng không đột biến do cung cầu cơ bản vẫn được bảo đảm.

 

Khảo sát của PV cho thấy, tại các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản có biến động tăng nhẹ từ ngày 20 tháng chạp do nhu cầu tăng dịp cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, do có đối trọng từ nguồn hàng tại các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định đã góp phần kiềm chế mức tăng giá chung. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng dịp cuối năm trong bối cảnh sức mua còn bị ảnh hưởng sau dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sẽ góp phần giữ mặt bằng giá hàng hóa không có biến động lớn.

 

Ông Bruno Jousselin – Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market chia sẻ:

 

“Tết luôn là sự kiện quan trọng nhất trong năm, mang nhiều ý nghĩa đối với người Việt. Chúng tôi luôn nỗ lực đem đến cho khách hàng một mùa Tết an toàn, sức khỏe và sung túc nhất thể hiện qua đa dạng chủng loại hàng hóa, chất lượng và giá cả tốt nhất cùng nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Dù năm qua là một năm khó khăn với người dân Việt nhưng chúng tôi vẫn mong muốn mang đến một cái Tết đủ đầy nhất cho khách hàng bằng việc đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định, đa dạng chủng loại tại tất cả các Trung tâm MM trên toàn quốc với lượng dự trữ hàng hóa tăng từ 20%-30% so với Tết năm 2021”.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang