Chủ Nhật, 06/10/2024 18:13:14 GMT+7
Lượt xem: 5316

Tin đăng lúc 26-04-2015

VNSteel: Tham vọng trở lại dẫn đầu ngành Thép

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp thép Việt Nam cũng như công cuộc CNH, HĐH đất nước.
VNSteel: Tham vọng trở lại dẫn đầu ngành Thép
Ảnh minh họa

Tổng Công ty Thép Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (29/4/1995-29/4/2015).

 

Tại thời điểm thành lập, Tổng công ty có 16 đơn vị thành viên; 4 công ty liên doanh với Tổng công ty và 8 công ty liên doanh với các đơn vị thành viên. Trong quá trình phát triển, Tổng công ty đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, về mô hình hoạt động và năng lực sản xuất.

 

Xây dựng được nhiều thương hiệu

 

Kể từ khi thành lập, được tổ chức hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91, đến 1/7/2007 chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-Công ty con và từ ngày 1/10/2011, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với hơn 50 công ty, đơn vị trực thuộc theo Quyết định số 552/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong 20 năm qua, Tổng công ty đã sản xuất và cung ứng cho đất nước 22,8 triệu tấn thép các loại, chiếm khoảng 65% thị phần nội địa; sản xuất 7,8 triệu tấn phôi thép, cung ứng 30% nguyên liệu cho sản xuất thép cán. Công suất sản xuất thép cán của VNSteel hiện tại đạt 4,5 triệu tấn/năm, doanh thu tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm.

 

Cơ cấu chủng loại sản phẩm do Tổng công ty sản xuất đã và đang được đa dạng hoá với chất lượng cao như thép xây dựng cường độ cao, thép hình, thép lá, thép ống, thép chống lò, tôn mạ màu, mạ kẽm, vật liệu chịu lửa...

 

VNSteel hiện sở hữu các thương hiệu thép cán và sản phẩm sau cán như Thép chữ V (Công ty mẹ), TISCO (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên), Thép Việt Úc (Vinausteel), Thép Việt Nhật (Vinakyoei), Thép Việt Hàn (VPS), Thép tấm lá Phú Mỹ (PFS), Thép Đà Nẵng (DNS), Tôn Phương Nam (SSSC); Tôn Thăng Long…

 

Sản phẩm thép của VNSteel được sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Hoà Bình, Yaly, Sơn La, đường dây tải điện 500 kV Bắc Nam, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và nhiều công trình khác...

 

VNSteel cũng là đơn vị tiên phong thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế. Tổng công ty đã thực hiện nhiều dự án liên doanh sản xuất thép với các nhà sản xuất thép hàng đầu trong khu vực như Posco (Hàn Quốc), Nippon Sumimoto metal (Nhật Bản), Tata (Ấn Độ), Kyoei Steel (Nhật Bản), Gang thép Côn Minh (Trung Quốc).

 

Sự ra đời của 4 công ty liên doanh sản xuất thép với VNSteel là: Việt Nhật (Vinakyoei), Việt Úc (Vinausteel), Việt Hàn (VPS) và Việt Nam-Singapore với tổng công suất khoảng 840.000 tấn/năm đã góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đất nước.

 

Cơ sở hiện thực hóa mục tiêu

 

Tổng Giám đốc VNSteel Nghiêm Xuân Đa chia sẻ, với lợi thế về hệ thống nhà máy sản xuất, kinh doanh thương mại trong tay, VNSteel đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, đa sở hữu trên cơ sở chủ đạo là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép, giữ vai trò chủ lực trong ngành thép Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

 

Cơ sở cho mục tiêu này chính là việc Tổng công ty có các đơn vị hoạt động liên quan đến công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị, xuất nhập khẩu; có các nhà máy sản xuất, cơ sở khai thác mỏ, mạng lưới kinh doanh và dịch vụ, viện nghiên cứu, trường học... trong phạm vi toàn quốc. Hiện tại các doanh nghiệp trong hệ thống cung cấp trên 50% nhu cầu thép xây dựng và khoảng 30% nhu cầu thép cán nguội trong nước.

 

VNSteel cũng sở hữu hệ thống kinh doanh, thương mại có thương hiệu như: Kim khí Hà Nội, Kim khí miền Trung, Kim khí TP. Hồ chí Minh...

Song song với việc hiện đại hóa thiết bị, VNSteel đã triển khai nhiều dự án lớn nhằm tăng qui mô và năng lực sản xuất như: Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai; dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy Thép Vinakyoei; dự án đầu tư dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép/năm (Cty Gang thép Thái Nguyên); dự án xây mới nhà máy sản xuất sản phẩm mạ kẽm, mạ nhôm kẽm và mạ màu công suất 230.000 tấn/năm của Công ty Tôn Phương Nam; dự án Nhà máy Thép cán nguội Thống Nhất và dự án đầu tư Nhà máy Tôn mạ VNSteel-Thăng Long - nhà máy có dây chuyền mạ kẽm công suất 80.000 tấn/năm và mạ màu 50.000 tấn/năm, thiết bị công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và là nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất khu vực phía Bắc... 

 

Hiện, VNSteel đang nỗ lực đưa Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên sớm đi vào hoạt động. Đây là dự án trọng điểm quan trọng trong quy hoạch ngành Thép. Dự án có công suất 500.000 tấn phôi thép/năm.

 

VNSteel cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tăng trưởng phôi thép đạt 8,3%, thép xây dựng là 6,7%, thép dẹt là 4,4%.

 

VNSteel đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở lại vị trí dẫn đầu ngành Thép Việt Nam.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang