Thứ Sáu, 13/09/2024 06:23:47 GMT+7
Lượt xem: 1839

Tin đăng lúc 30-07-2024

Việt Nam tích cực giải bài toán phát triển CNHT ngành Da giày

Lời giải cho bài toán phát triển công nghiệp phụ trợ ngành Da giày Việt Nam dường như vẫn còn khá nan giải.
Việt Nam tích cực giải bài toán phát triển CNHT ngành Da giày
Thúc đẩy CNHT ngành Da giày phát triển là một vấn đề cấp thiết

Theo đánh giá từ các chuyên gia, hiện nguyên phụ liệu cho ngành Da giày tại Việt Nam vẫn phải phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất… Nguyên phụ liệu da giày chỉ mới tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất của ngành Da giày Việt Nam, khiến mục tiêu đưa ngành Da giày trở thành một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng trở nên khó khăn hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da giày TP.HCM cho biết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Da giày đã được nhắc đến từ rất nhiều năm, song hiện tại vẫn chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi. Nhiều chuyên gia nhận định, ngành Da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được lợi thế đó hay không thì lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát triển CNHT, nguyên phụ liệu trong nước.

 

Cũng phải thừa nhận rằng, về thực chất Việt Nam chưa có một ngành sản xuất đúng nghĩa, chưa sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của CNHT da giày. Chỉ khi có sản xuất nội địa mạnh từ những khâu đầu tiên trong chuỗi thì giá trị gia tăng của một sản phẩm da giày mới lớn và thực sự đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế nước nhà.

 

Trong khi đó, Trưởng bộ phận da giày của Công ty Decathlon Việt Nam, Maxime Rogeon phân tích, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu. Tuy nhiên, với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ hai về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần. Da giày cũng  là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Có thể thấy rằng, cơ hội và tiềm năng phát triển CNHT ngành Da giày, túi xách là rất lớn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn của ngành da giày hiện nay là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp da giày mới chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu, nên phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Vì vậy, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

 

Theo đại diện lãnh đạo LEFASO, trong thời gian tới, ngành Da giày Việt Nam sẽ tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, do đó đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, DN trong nước cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao hơn. Đặc biệt, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch bằng việc xây dựng khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam. Trung tâm này sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu. Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành da giày, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.

 

 

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (tỉnh Long An) 

 

Hiện tại, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của CNHT ngành Da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đứng trước mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành Da giày, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành Da giày hiện nay theo xu hướng thời trang thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT da giày phù hợp với xu hướng.

 

Theo Chiến lược phát triển, mục tiêu của ngành Da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới. Đó là những con số và mục tiêu rất đẹp. Nhưng để đạt được cái đích đó, việc phát triển CNHT ngành Da giày cần được ưu tiên. Ngành cũng cần sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống DN CNHT phục vụ cho ngành Da giày. Bên cạnh việc nâng cấp công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động, các DN CNHT ngành Da giày còn cần phát triển trong thiết kế, nguyên phụ liệu trong nước…

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang