Thứ Ba, 17/09/2024 20:01:22 GMT+7
Lượt xem: 1827

Tin đăng lúc 10-04-2023

Về làng cổ Đường Lâm một lần là nhớ

Có dịp về Làng cổ Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Tp. Hà Nội, quý khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa Bắc Bộ nguyên sơ với những nét kiến trúc cổ kính, được thưởng thức những đặc sản riêng có của vùng đất Sơn Tây, đặc biệt sẽ được thả hồn trong bầu không khí trong lành.
Về làng cổ Đường Lâm một lần là nhớ
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 40km. Đường Lâm là quê hương của ngài Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai Vua.” Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

 

Cách ngã tư cầu Vĩnh Thịnh chừng vài trăm mét là lối vào làng cổ Đường Lâm. Ngay đầu làng là cổng làng xây bằng đá ong, mái lợp ngói nhuốm màu thời gian bên gốc đa cổ thụ lá xanh mướt mắt. Cổng làng Đường Lâm được xây dựng năm 1533 với kiến trúc “thượng gia - hạ môn” được xem là biểu tượng cho văn hóa Bắc Bộ vùng Châu thổ Sông Hồng. Đây là điểm nhấn đầu tiên, thu hút nhiều du khách checkin.

 

 

Bên trong làng cổ Đường Lâm có 11 điểm tham quan ấn tượng: Đình Mông Phụ; Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh; Nhà cổ ông Hà Hữu Thể; Nhà cổ ông Hà Nguyên Huyến; Nhà cổ ông Hùng; Đền thờ Vương phi Chúa Trịnh Tráng - Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (người có công xây dựng Chùa Mía); điểm du lịch làng nghề - hộ gia đình làm kẹo Hiền Bao; Chùa Mía; Đình Phùng Hưng; Lăng Ngô Quyền, Rặng Duối cổ.

 

 

 

 

 Để đi thăm quan các điểm du lịch tại làng cổ Đường Lâm, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp. Đi bằng xe đạp sẽ tiện hơn (phí thuê xe là 50 nghìn đồng/ xe cho cả ngày thăm quan). Đi xe đạp trên những con đường làng lát bằng gạch lục, quanh co qua các con ngõ có những bức tường, cổng đá ong mang lại cảm giác thú vị.

 

 

 

 

Không gian sơn mài của Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là một điểm dừng chân thú vị. Với hai nếp nhà cổ có hàng trăm sản phẩm gỗ sơn mài đủ màu sắc, được chạm khắc tinh tế. Điểm nhấn là bộ bàn ghế bằng gỗ lũa, gỗ mít được sơn cầu kỳ trưng bày giữa sân. Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, phải mất một năm mới hoàn thiện được bộ bàn ghế này. Những năm qua, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có hàng chục sản phẩm tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.



 

 

Đình Mông Phụ được xây dựng với 6 hướng tỏa ra như một bông hoa, kiến thúc kiểu nhà sàn với 2 lớp đình mái cong nghệ thuật. Bên trong đình có nhiều câu đối cổ, nhiều cột gỗ to, một người ôm không xuể. Bên ngoài Đình Mông Phụ có nhiều hàng quán bày bán nhiều loại đặc sản của địa phương như bánh tẻ, bánh sắn, tương,… Điểm nhã nhất, đậm chất làng quê nhất là du khách có thể ngồi chõng che, dưới nếp nhà cổ, uống bát nước chè tươi, thích thú ngắm nghía cảnh quê, người quê, nói dăm ba câu chuyện dông dài với bà chủ quán nước chè,…

 

 

 

 Những ngôi nhà gỗ cổ, tường, ngói, cửa bức bàn xưa cũ với những vật dụng nông nghiệp như: Cái cày, bừa, rỏ, nơm, cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay bột, những chum tương thơm ngọt,... Tất cả như ùa về, chiếm trọn cảm xúc của du khách. Nó có phần xa lạ với trẻ nhỏ nhưng quen thuộc với lớp người lớn tuổi. Không gian xưa cũ đó như níu giữ một khoảng lặng, một khoảng yên bình cho người đời giữa xã hội chộn rộn lo toan.

 

 

 

 

Giữa cảnh làng quê thanh bình, những không gian tâm linh là điểm đến chiêm bái của nhiều du khách. Sự bình dị, cổ kính của những điểm đến tâm linh làm cho mảnh đất thiêng này thêm nét trầm mặc và ẩn chứa sự linh thiêng, tôn kính (Ảnh nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh).

 

 

 

 

Về Đường Lâm còn được thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc riêng có của địa phương như: Gà Mía tẩm gia vị nướng, thịt nướng, thị lợn quay, canh cua,... Mọi thứ đều nóng hổi, thơm nức mũi, đượm vị. Lôi cuốn du khách nhất là hai món, gà Mía nướng và thịt lợn quay đòn. Đây là hai sản vật nức tiếng của Đường Lâm đã làm xiêu lòng biết bao thực khách.

 

 

 

 

Một khoảng không gian checkin hút khách tại làng cổ Đường Lâm

 

 

 

Thực hiện Chương trình OCOP, địa phương đã bố trí một gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương và Hà Nội. Hàng trưng bày là tinh hoa của các làng nghề như chuồn chuồn tre, túi mây tre đan, nón lá, lược sừng,… Với lượng khách thăm quan từ 120.000 -130.000 người mỗi năm, Đường Lâm là điểm quảng bá và giới thiệu hiệu quả các sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng, của Hà Nội nói chung.

 

 

Về Đường Lâm một lần du khách sẽ có được những ấn tượng khó phai. Đó quả thực là một làng quê cổ kính, thanh bình mà không phải nơi nào cũng có được. Hy vong, chính quyền và nhân dân địa phương chung tay gìn giữ, xây dựng những sắc màu văn hóa riêng có, để làm đẹp hơn, sáng hơn, trù phú hơn miền “đất hai Vua”.

 

 

Minh Ngọc


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang