Thứ Năm, 14/11/2024 01:14:30 GMT+7
Lượt xem: 1395

Tin đăng lúc 29-05-2024

TP HCM xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò xuyên suốt

Thời gian qua, ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế TP HCM, do đó địa phương xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển.
TP HCM xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò xuyên suốt
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TP HCM có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Phát triển công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò xuyên suốt

 

TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP (chiếm khoảng 18% GRDP). Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố nên các chính sách, các giải pháp phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về phát triển công nghiệp - CNHT đã đem lại những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp Thành phố.

 

Nhận thức được vai trò của ngành CNHT, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển CNHT như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển CNHT Thành phố trực thuộc Sở Công Thương…

 

Đi cùng với đó là các giải pháp: xây dựng Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm CNHT; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp… Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển CNHT cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Công nghiệp hỗ trợ thành phố cho biết, thành phố xác định phát triển CNHT gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của thành phố; tập trung huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, trọng tâm là thành phần kinh tế tư nhân; và tập trung phát triển CNHT để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT; phát triển công triển CNHT trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của thành phố và khai thác được các cơ hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Ban hành chính sách phát triển công nghiệp

 

Với việc xác định CNHT giữ vai trò xuyên suốt và là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025.

 

Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm CNHT như: Xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực CNHT theo các chương trình hỗ trợ lãi suất đầu tư và các chính sách ưu tiên của thành phố.

 

Tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu thành phố; hỗ trợ quảng bá, phát triển doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn tại chương trình. Đổi mới, tăng cường các hoạt động truyền thông về CNHT. Mở rộng trung tâm trưng bày sản phẩm CNHT của thành phố. Tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu sản phẩm CNHT. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vi mạch, tạo điều kiện để thành phố bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xây dựng đô thị thông minh.

 

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất như: Khảo sát, đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thành phố. Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển CNHT cho sản phẩm công nghệ cao.

 

Mặt khác, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT như: Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp CNHT. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, quan tâm thực hiện việc kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN do các tổ chức quốc tế thực hiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của UBND thành phố về ban hành Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng lực sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp CNHT.

 

Bên cạnh đó, hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp CNHT gồm: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phân khu CNHT trong các khu công nghiệp theo chỉ tiêu đề ra. Tiếp tục khai thác hiệu quả và phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng.

 

Hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II; bổ sung, hoàn thiện các pháp lý cần thiết để thành lập Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao.

 

Ngoài ra, vận hành cổng thông tin CNHT thành phố như: Vận hành và hoàn thiện cổng cơ sở dữ liệu sản phẩm công nghiệp chủ lực và CNHT của thành phố. Điều tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trên địa bàn thành phố.

 

Hy vọng, với nhiều giải pháp đồng bộ, cộng với cơ chế ưu đãi, TP. HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực tốt nhất để đón các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư vào ngành CNHT của tỉnh trong thời gian tới.

 

Huyền My

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang