Thứ Tư, 18/09/2024 15:18:00 GMT+7
Lượt xem: 270

Tin đăng lúc 18-05-2024

Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp

Từ ngày 1/5/2024, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định 32) về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) có hiệu lực thi hành. Với nhiều điểm mới, Nghị định 32 được kỳ vọng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo không gian phát triển CCN.
Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp
Nghị định 32 đã tạo không gian phát triển CCN

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định 32 có nhiều điểm mới rất quan trọng, như đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển CCN đến thành lập, mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.

 

Theo ông Thịnh, Nghị định 32 quy định chi tiết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với các CCN mới thành lập. Trong đó, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

 

Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, tính đến hết năm 2023, cả nước đã thành lập được 1.062 CCN, trong đó 705 CCN đã đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số CCN đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 666.000 lao động.

 

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định, cho biết: "Nghị định 32 đã thể chế hóa được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Công Thương địa phương (trong đó, đã phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển CCN đến thành lập/mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về CCN…) để có đủ công cụ, điều kiện thực hiện vai trò, chức năng quản lý CCN trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước". 

 

Ông Lương Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi Nghị định 32 được ban hành, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và thông tin tới chủ đầu tư để chuẩn bị hồ sơ. Đắk Lắk đã phê duyệt quy hoạch, với 26 CCN và hiện có 8 cụm đi vào hoạt động. Dù vậy, việc các CCN ở Đắk Lắk đã và đang hình thành với thời gian quá lâu, việc đầu tư hạ tầng dùng ngân sách nhà nước nhưng các quy định mới như chuyển tài sản từ Nhà nước về doanh nghiệp… còn nhiều vấn đề đặt ra và cần có nghiên cứu hướng dẫn địa phương triển khai.

 

Tương tự, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết, dự kiến đến năm 2050, Bình Thuận có 38 CCN, nhiều CCN đã xây dựng cơ sở hạ tầng, có 27 cụm thu hút đầu tư, song tỷ lệ lấp đầy chỉ chiếm 37%. Theo ông Hòa, chính sách về hạ tầng CCN còn nhiều vướng mắc, nhất là hiệu quả đầu tư và thu hút nhà đầu tư là trách nhiệm của địa phương. Nhấn mạnh đến việc xác định chủ đầu tư hạ tầng, ông Hòa cho rằng, trước đây, vẫn dùng ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện…) nhưng trong Nghị định 32 chưa xác định được tính toán bài toán này như thế nào?...

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang