Thứ Bẩy, 12/10/2024 08:27:56 GMT+7
Lượt xem: 1572

Tin đăng lúc 14-05-2024

Thanh Hóa: Tâm tài của một nữ giám đốc

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó (Xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhưng mong ước của chị là có cái nghề kỹ thuật trong tay để vươn lên làm giàu không chỉ cho bản thân mà còn mang lại việc làm cho nhiều người khác.
Thanh Hóa:  Tâm tài của một nữ giám đốc
Chị Tống Thị Thơm – Giám đốc Cơ sở với ước mơ giản dị nhưng rất thiết thực trong xã hội

Từ ước mơ giản dị…      

 

Tìm được chị không phải khó, bởi bất cứ người dân nào trong xã Đồng Lộc cũng biết đến Cơ sở May Việt Tiến do chị Tống Thị Thơm làm giám đốc.

 

Sinh năm 1980, là con gái thứ 2 của một gia đình thuần nông có 5 chị em gái. Chị Thơm bảo: Mặc dù nhà nghèo, luôn phải bám lấy đồng ruộng, cây lúa để sống, nhưng ngay từ nhỏ tôi đã có một ước mơ khác với bạn bè cùng trang lứa là phải có cái nghề kỹ thuật trong tay để thoát nghèo và làm giàu cho bản thân cũng như quê hương.

 

Không lâu sau, chị xin gia đình cho đi học Lớp nghề may (Nam Định), cái nghề luôn đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao. Bắt đầu từ đây, từng cái kim, sợi chỉ uốn lượn trên từng lớp vải đã cuốn hút tâm trí chị từ lúc nào không hay.

 

Sau vài năm học tập chăm chỉ, miệt mài, cuối cùng chị Thơm đã có một tay nghề kỹ thuật cao và ngay lập tức, chị được một Công ty may xuất khẩu Ninh Bình về tuyển chọn và ký hợp đồng lao động. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn lao, khích lệ chị hăng say làm việc, bởi đây là những bước đi đầu tiên trong ước mơ của mình. Tuy nhiên, với chị như thế vẫn chưa đủ, chị luôn đau đáu muốn mang cái nghề về quê nhà, mong muốn không chỉ làm giàu cho bản thân mình mà còn mang lại việc làm cho nhiều người khác.

 

Mặc dù, đây không phải là nghề mới, nhưng đối với người dân Đồng Lộc, Hậu Lộc thì đây là một nghề xa lạ. Xuất phát từ đó, chị quyết định trở về quê và đề xuất mở một Cơ sở may tại nhà. Điều này, được chính quyền địa phương ủng hộ và nhận được sự hoan nghênh của mọi thành viên trong gia đình cũng như nhiều lao động địa phương.

 

… Đến hiện thực xã hội

 

Với ý chí và bản lĩnh được rèn luyện nhiều năm trong lĩnh vực may mặc, chị Thơm luôn tìm kiếm những đơn đặt hàng các thị trường có tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo… với các sản phẩm như: Quần áo công sở, lao động, thể thao… nhằm tăng thêm thu nhập. Từ đây, mọi lao động trên địa bàn xã, ai có nhu cầu muốn làm việc chị đều nhận hết, ai chưa biết may vá, một mình chị Thơm hướng dẫn, đào tạo nhiệt tình, chu đáo.

 

Hoạt động chưa lâu, thì xưởng may phải đương đầu với nhiều khó khăn do do thiếu vốn đầu tư, do trình độ tay nghề của công nhân yếu, kèm theo đó là Đại dịch Covid-19 lan rộng và gần đây là các cuộc xung đột chính trị, quân sự giữa các quốc gia… khiến cho thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, cơ sở may của chị có nguy cơ phá sản.

 

 

Người lao động luôn được bảo vệ và thụ hưởng mọi chế độ lao động

 

Xác định xưởng may muốn tồn tại được phải do yếu tố con người quyết định, đặc biệt bản thân mình phải kiên trì, chị Thơm tâm sự: “Người đứng đầu doanh nghiệp phải có nghị lực, gương mẫu, biết vượt qua khó khăn để mang lại thành công thì lao động mới tin tưởng, gắn bó”. Do vậy, chị cùng gia đình, đặc biệt người chồng hết mục yêu thương đã kề vai sát cánh tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc. Có những hôm trưa, chiều, tối, anh chị phải ở lại xưởng để cùng làm, cùng chia sẻ với người lao động.

 

Việc đầu tiên chị bắt tay vào thực hiện là dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khó khăn. Trên cơ sở phân tích và nhận định về thị trường, chị đã đi đến quyết định, phải thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu: Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Muốn vậy, giải pháp mang tính chiến lược là phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Nhiều máy móc, công nghệ mới đã được nhập về, lắp đặt, bên cạnh đó chị đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại được đông đảo khách hàng chấp nhận.

 

Để khắc phục tình trạng yếu kém về năng lực sản xuất, chị đã tiến hành tuyển thêm một số lao động theo tiêu chí “vừa hồng, vừa chuyên”. Cách làm này ngay lập tức đã phát huy hiệu quả, từng bước khôi phục và dần dần nâng cao năng lực sản xuất. Qua đó, sản phẩm ngày càng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Nếu năm 2020, năm đầu tiên chị xây dựng Cơ sở, doanh thu chỉ đạt 4 tỷ đồng/năm, thì đến nay đã là 12 tỷ đồng/năm (tăng gấp 3 lần). Đồng thời, từ chỗ thiếu việc làm, không có lương trong nhiều tháng liền (dịch Covid-19), giờ đây, người lao động có việc làm thường xuyên với mức lương đạt từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù công việc vất vả nhưng với tinh thần làm việc đầy nhiệt huyết, mọi khó khăn bắt đầu được tháo gỡ dần, chị được lao động yêu quý và tin tưởng.

 

Ngoài hoạt động sản xuất – kinh doanh chị Thơm đặc biệt quan tâm đến đời sống người lao động, chế độ ưu đãi trong lao động và nhiều hoạt động khác được triển khai nhằm khích lệ tinh thần người lao động.

 

Chia sẻ thêm trong công việc, chị Thơm cho biết: Điều đáng quý nhất đối với tôi là đã tạo dựng được uy tín của mình đối với bạn hàng và nhất là đã góp một phần nhỏ bé, giúp lao động địa phương có thêm thu nhập ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Bài, ảnh: Vân Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

Lan ( 5/14/2024 12:27:50 PM )
Quá ấn tượng với một doanh nghiệp về lại quê hương xây dựng kinh tế. Bài viết cũng rất hay ạ
<1>

Quảng cáo

Về đầu trang