Thứ Tư, 11/09/2024 06:07:20 GMT+7
Lượt xem: 1800

Tin đăng lúc 15-11-2022

Thái Bình: “Giai đoạn 2021-2025 tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 5,5% so với dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn địa bàn tỉnh”

Những năm gần đây, Thái Bình là tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trên tinh thần đó, ngày 08/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Thái Bình: “Giai đoạn 2021-2025 tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 5,5% so với dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn địa bàn tỉnh”
Bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình

Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình xung quanh vấn đề này.  

 

PV: Xin bà khái quát tình hình kinh tế của Thái Bình trong những năm vừa qua?

 

Bà Trần Thị Diễn: Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế Thái Bình liên tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm ước tăng 8,7%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 2 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp (CN), xây dựng và thương mại, dịch vụ đạt 77,4%, tăng 11,4% so với năm 2015; đã có sự chuyển dịch trục phát triển kinh tế của tỉnh từ chủ yếu theo hướng Nam và Tây Nam sang kết hợp với hướng Đông và Đông Bắc thông qua việc chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực, gắn với hình thành các hành lang kinh tế - xã hội. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra.

 

Kinh tế - xã hội phát triển đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt 8,78%/năm; đến năm 2019 tổng nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh trên 700 nghìn TOE (tấn dầu quy đổi); trong đó các phân ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 26,30%; Công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 10,28 %; Thương mại, dịch vụ tăng bình quân 7,54%; Dân cư tăng bình quân 4,97%; Giao thông vận tải tăng bình quân 5,94% và các hoạt động khác tăng bình quân 19,01%. Theo dự báo, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 khoảng từ 800-900 nghìn TOE.

 

Hiện nay, nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc sử dụng NLTK&HQ, khai thác hợp lý các nguồn năng lượng sạch và bảo vệ môi trường rất quan trọng.

 

PV: Được biết, ngày 08/3/2021, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Vậy mục tiêu chính của Kế hoạch là gì?

 

Bà Trần Thị Diễn: Mục tiêu chính là, đẩy mạnh sử dụng NLTK&HQ thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KHCN và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng NLTK&HQ. Cụ thể: Giai đoạn 2021-2025 tiết kiệm năng lượng tối thiểu là 5,5% so với dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn địa bàn tỉnh, trong đó phân bổ các ngành như sau:

 

Ngành Giao thông vận tải: Tiết kiệm tối thiểu 3,7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành; Ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Tiết kiệm 4,1%; Ngành Dịch vụ công cộng: Tiết kiệm 14,7%; Dân dụng sinh hoạt: Tiết kiệm 3,1%; Ngành Thương mại dịch vụ: Tiết kiệm 4,9%; Công nghiệp: Tiết kiệm 8,2%. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng: Đến năm 2025, triển khai thay thế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao và công nghệ điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng hiện đại. Riêng đối với ngành CN, giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân của các cơ sở CN trên địa bàn, cụ thể: Đối với CN cơ khí, luyện kim: bình quân 6,3%; CN dệt may, giày da: bình quân 7,3%; CN vật liệu xây dựng: bình quân 6,8%; Sản xuất đồ uống, nước giải khát: 5,1%; CN khác: bình quân 7,3%...

 

 

Lớp đào tạo cho cán bộ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn Thành phố Thái Bình (trong ảnh: Ông Trần Ngọc Phúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình phát biểu tại lớp học)

 

PV: Để Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030 được triển khai hiệu quả, tỉnh đã có giải pháp gì, thưa bà?

 

Bà Trần Thị Diễn: Nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch của Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030, trước mắt là giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng NLTK&HQ; Tổ chức thực hiện triển khai các giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng NLTK&HQ đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất; Tăng cường năng lực về sử dụng NLTK&HQ; Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện sử dụng NLTK&HQ; Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế về sử dụng NLTK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng NLTK&HQ… Trong đó, kinh phí dành cho Chương trình dự kiến Giai đoạn 2021-2025 là 265.267 triệu đồng...

 

PV: Vậy những cơ quan, tổ chức nào được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch này, thưa bà?

 

Bà Trần Thị Diễn: Theo Quyết định số 92/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở: Công Thương; Xây dựng; Khoa học & Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Văn hóa thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Khu kinh tế và Các khu công nghiệp tỉnh; Công ty Điện lực Thái Bình; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Trách nhiệm của cộng đồng… Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối Chương trình sử dụng NLTK&HQ của tỉnh; có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch triển khai theo các nội dung; tổng hợp các báo cáo định kỳ theo yêu cầu gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh; tổng hợp các vướng mắc báo cáo tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

 

Trên cơ sở báo cáo tổng kết và kế hoạch thực hiện hàng năm, các sở, ngành, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, lập kế hoạch năm tiếp theo để triển khai thực hiện chương trình; tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025 và đề xuất chương trình điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2026-2030 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định vào năm 2025; Thực hiện kiểm tra giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Luật Sử dụng NLTK&HQ, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng NLTK&HQ; Chủ trì, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn; Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan ban hành Kế hoạch TKNL trên địa bàn tỉnh hằng năm và giai đoạn; tổ chức hội nghị, hội thảo; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện sử dụng NLTK&HQ; Quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia Chương trình theo quy định. Còn các sở, ban, ngành khác thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch được giao.

 

PV: Xin cảm ơn bà!

Công Du (Thực hiện)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang