Thứ Năm, 03/10/2024 20:54:36 GMT+7
Lượt xem: 966

Tin đăng lúc 28-03-2023

Tăng cường liên kết phát triển Cụm công nghiệp làng nghề

Với số lượng hơn 2.000 làng nghề truyền thống có từ 100 năm tuổi trở lên, các làng nghề Việt Nam đã sản xuất ra hàng ngàn loại sản phẩm trong nhiều lĩnh vực, đóng góp cho thị trường xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách. Bởi thế, việc phát triển Cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) được kỳ vọng là nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.
Tăng cường liên kết phát triển Cụm công nghiệp làng nghề
CCNLN xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Theo báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 4.000 CCNLN, trong đó, khu vực miền Bắc chiếm khoảng 70% số CCNLN cả nước. Tổng số cơ sở sản xuất trong các CCNLN là khoảng 40.000 cơ sở, trong đó, hơn 80% là các hộ kinh doanh cá thể. Nhiều CCNLN không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn áp dụng các công nghệ mới để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Tuy nhiên, sự phát triển các CCNLN nói chung còn yếu, chưa phát huy được tiềm năng vốn có. Một trong những lý do dẫn tới thực trạng trên là vì sự liên kết trong các CCNLN còn nhiều hạn chế. Nhiều CCNLN hoạt động chưa hiệu quả so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ. Nhiều nơi không thể thu hút được các cơ sở sản xuất và buộc phải để hoang. Do vậy, việc thúc đẩy phát triển các CCNLN đang trở thành một trong những ưu tiên lớn.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), hiện nay trên cả nước có nhiều CCNLN đang tồn tại, nhưng sự phát triển nói chung còn yếu, chưa phát huy được tiềm năng vốn có. “Các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp của làng nghề được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư”, bà Hải cho biết. 

 

TS. Nguyễn Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: CCNLN là sự kết hợp giữa tính chất của “cụm công nghiệp” và tính “làng” của các làng nghề ở Việt Nam. Đặc điểm của các CCNLN có nhiều nét tương đồng với cụm công nghiệp như vị trí địa lý, lao động. Bên cạnh đó, cũng có những đặc thù riêng biệt, như tính liên kết và các mối quan hệ thuộc dòng tộc là những đặc điểm khác biệt rõ rệt của các CCNLN.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tòng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam, cho hay: “Kinh nghiệm phát triển CCNLN của các quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc định hướng và hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách. Phát triển liên kết trong CCNLN nên xây dựng liên kết ngành trục bánh xe và nan hoa. Đó là liên kết được chi phối bởi một hay vài ba doanh nghiệp (DN) lớn (đóng vai trò trục bánh xe) có các nhà cung cấp hay các DN liên quan với quy mô nhỏ hơn ở xung quanh (các nan hoa). Khi hình thành liên kết này, các DN nhỏ và vừa trong làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại”.

 

 

Hội thảo “Tăng cường liên kết phát triển cụm công nghiệp làng CCNLN ở Việt Nam” tổ chức tháng 10/2022 tại Thái Nguyên 

 

Nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển các liên kết trong CCNLN cũng được cho là một trong những giải pháp căn cơ. Theo đó, vai trò của Nhà nước thể hiện rõ nét không phải bằng các can thiệp trực tiếp, mà bằng các cơ chế chính sách tổng hợp hay tạo ra một môi trường tốt nhất với hạ tầng cơ sở thuận lợi cho các DN hoạt động trong cùng một lĩnh vực liên kết với nhau.

 

Có thể thấy rằng, hiện nay việc quy hoạch CCNLN nhìn chung chưa tốt, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa phù hợp đã gây lên những hệ lụy xấu cho kinh tế, xã hội tại các địa phương, nhất là vấn đề môi trường. Về chính sách cho phát triển CCNLN, cần phải có nhóm chính sách và giải pháp quy hoạch không gian phát triển CCNLN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng địa phương.

 

Theo đó, CCNLN cần khai thác tốt các yếu tố lợi thế tự nhiên sẵn có của từng địa phương gồm vị trí địa lý, địa hình; giao thông; tài nguyên thiên nhiên; chất lượng đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, diện tích; nguồn nguyên liệu. Việc quản lý các CCNLN còn lúng túng, chưa theo kịp với đòi hỏi của quá trình phát triển và hoạt động của các làng nghề.

 

Ngoài ra, Nhà nước cần chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển các DN vừa và nhỏ bằng cách hình thành và phát triển các nhân tố thị trường, nhân tố vốn, nhân tố khoa học công nghệ, nguồn nguyên liệu, kết cấu hạ tầng, thể chế kinh tế, chính sách và sự quản lý của nhà nước.

 

Ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp và năng lượng (Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ, xây dựng cơ chế, chế tài, vận động các hộ kinh doanh gây ô nhiễm di dời vào cụm công nghiệp, có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng CCNLN và cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCNLN.

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc) kiến nghị: Nhà nước nên ưu tiên về giá thuê mặt bằng, quản lý giá thuê mặt bằng vừa bảo đảm lợi nhuận cho DN xây dựng hạ tầng phù hợp nhu cầu sử dụng của các CCNLN, không thả lỏng giá thuê, tránh thổi giá khi cho thuê để khuyến khích người dân...

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang