Thứ Sáu, 13/09/2024 05:04:07 GMT+7
Lượt xem: 4542

Tin đăng lúc 31-07-2014

Phát triển đất nước: Cần giới trẻ và năng động

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015".
Phát triển đất nước: Cần giới trẻ và năng động

Bắt đầu từ tái cơ cấu DNNN

 

Mục tiêu của đề án là làm cho DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, DNNN chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37% - 38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Đặc biệt, các DNNN đang nợ 1.008.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

 

Về việc làm thế nào để tái cơ cấu DNNN có hiệu quả, nhiều chuyên gia đã đưa ra những ý kiến khác nhau và tất cả đều có lý như: Chính phủ cần phải xây dựng đề án hết sức cụ thể; DNNN thua lỗ thì nên bán; Cái gì Nhà nước làm tốt thì để Nhà nước làm, tư nhân làm tốt để tư nhân làm, Nhà nước chỉ đề ra tiêu chí để thực hiện; Phải tạo lập một thể chế, trong đó các quy định liên quan đến những yếu tố của môi trường kinh doanh phải hoàn toàn giống nhau giữa DNNN và các loại hình DN khác. Những quy định khác hoặc quá trình thực hiện còn tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho DN nhà nước phải được loại bỏ hoàn toàn; Muốn tái cấu trúc DNNN thành công, thì đầu tiên phải thay đổi mô hình quản trị, từ đó sẽ bỏ được cách điều hành DN bằng mệnh lệnh hành chính: Phải coi DNNN là đối tác chứ không phải công cụ của Chính phủ…

 

Nhưng có chuyên gia lại khẳng định điều then chốt để tái cơ cấu DNNN phải bắt đầu chính từ… cái đầu. Nếu “cái đầu” không thay đổi, bám riết vào tư duy cũ, quan điểm cũ sẽ không bao giờ đổi mới được. Như vậy, chúng ta cần những cái đầu trẻ, có thực tài và tâm huyết xây dựng đất nước. Nếu cứ dựa vào những người cũ, cách tư duy cũ thì khó thay đổi vì sự trì trệ, né tránh và không có trình độ đáp ứng công việc.

 

Giới trẻ Việt Nam đang có gì và cần gì?

 

Việt Nam được thế giới đánh giá là có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đất nước ta thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng XI thông qua ngày 16/2/2011. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn thấp và cần phải được cải thiện càng sớm càng tốt.

 

Ngày 14/12/2012, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội), ngay trước phiên bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, đất nước đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự. Mong muốn của Thủ tướng cũng là nguyện vọng của những ai có chút kiến thức về phát triển đất nước, nhưng nguồn nhân lực của chúng ta trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

 

Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), năm 2013 dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Dự kiến, năm 2015 sẽ là 91,3 triệu người, đạt mục tiêu đề ra dưới 93 triệu người. Điều này phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam đang phát triển dồi dào. Nguồn nhân lực Việt Nam được cấu thành chủ yếu là từ nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Trong đó, nguồn nhân lực nông dân chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân gần 10%; nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp trung ương gần 1 triệu người…

 

Hiện nay, ở Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm rất thấp. Việt Nam hiện đang thừa nhận lực phổ thông và thiếu nhân lực chất lượng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94...

 

Cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề cũng mất cân đối. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp ít và chiếm tỉ trọng thấp, trong khi đó các ngành xã hội như luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại quá cao.

 

Hiện tại, một số lượng lớn sinh viên khá giỏi không muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước. Những người làm ở khu vực nhà nước phần nhiều do mối quan hệ, chạy tiền và tất nhiên, những người này luôn có một độ “ì” nhất định so với những người làm cho cơ quan nước ngoài. Nhiều chuyên gia đã khẳng định, những người tài giỏi không làm cho khối nhà nước nguyên nhân là vì những hạn chế từ công tác quản lý cũng như môi trường làm việc của các tài năng trẻ. Hiện nay, tại các cơ quan nhà nước, ngoài mức lương thấp, các cán bộ trẻ thường không được chủ động trong công việc, không được tin tưởng bổ nhiệm các vị trí cao, không được sử dụng hợp lý, thậm chí trái ngành, trái nghề... Trong khi đó, một lượng lớn tài năng trẻ đang làm việc cho các công ty nước ngoài có mức lương cao, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc tốt. Để khắc phục tình trạng này, có người đã đề xuất giải pháp “trả lương một cách hợp lý, xứng đáng với các cá nhân xuất sắc; trả lương theo năng lực, kết quả làm việc thay cho việc trả lương theo thâm niên công tác; tín nhiệm, giao nhiệm vụ trọng trách cho tài năng trẻ và tăng cường chế độ đãi ngộ chính sách phúc lợi đối với họ...”.

 

Hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, trong đó có khoảng 100.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập ở các nước. Đây là vấn đề mà Chính phủ phải suy nghĩ, phải làm gì để có nhiều người về làm việc trong nước.

 

Rất cần một tư duy lãnh đạo mới

 

Trong những năm qua, do nền kinh tế chuyển đổi và các nhà quản lý xã hội do nhiều nguyên nhân nên chưa có những hành động cụ thể trong giáo dục, hướng nghiệp cho thanh niên. Do vậy, thế hệ trẻ của chúng ta sinh ra, sống và bước những bước đi chập choạng, thiếu định hướng. Trên bước đường đó, biết bao những trào lưu, phong cách sống được nảy sinh giữa họ, tốt có, xấu có, cứ xen lẫn và lần lượt nổi lên. Không ít bạn trẻ đã vấp ngã trên bước đường đời. Những trang viết ngắn ngủi này sẽ cho chúng ta cái nhìn sơ sài về những trào lưu tiêu biểu trong số vô vàn những trào lưu đang ngày đêm nảy sinh nơi giới trẻ.

 

 

Thời đại ngày nay, giới trẻ có những gì trong tay? Tất nhiên là họ có sức khỏe, sự cường tráng, sự liều lĩnh, ý chí vượt khó, sự hăng hái xả thân, lòng nhiệt thành. Họ có kiến thức phổ thông, kiến thức sống và kiến thức hội nhập bạn bè, hàng xóm, gia đình. Họ có đủ điều kiện để có một lý tưởng sống chính đáng, có một đích để hướng tới cái hay cái đẹp, một hy vọng tràn trề vào tương lai. Mặc dù sống trong thời đại đầy đủ với sự khích lệ của mọi phương tiện như thế, nhưng đôi khi hoặc không thiếu người trẻ vẫn chỉ có sự sợ sệt, e dè, thiếu tự tin, dễ chán nản, dễ thất vọng…, hay vẫn sợ đụng chạm, sợ khó khăn, sợ hội nhập với cái mới và sợ bị chê bai. Hoặc đôi khi, người trẻ lo ngại do dễ sai phạm, dễ xung khắc, dễ buông thả, dễ nghe, dễ bị cám dỗ, dễ lệ thuộc, dễ bắt chước, dễ gièm pha trách móc. Điều đó dẫn tới sự trống vắng, không mục đích, không lý tưởng, dễ khủng hoảng, dễ cô đơn, dẫn đến thái độ bất cần, vô vọng, mặc kệ…

 

Sự bùng nổ và phát triển kinh tế trên toàn thế giới đòi hỏi giới trẻ phải thực sự nhanh nhạy, khôn ngoan, phải có đủ sức khỏe, tinh thần để hội nhập, để nắm bắt nhạy bén, để thành đạt, tiến bộ nhanh, không bị lạc hậu và chờ đợi. Xã hội đòi hỏi nơi họ sự thay đổi và thích nghi với cái mới trong vật chất, ứng xử, giao tiếp, lối sống, tinh thần và quyết định. Giới trẻ cũng được đòi hỏi có sự trỗi dậy và khao khát thành công, danh vọng, chỗ đứng, tiền tài, sự nghiệp, tình cảm và ưu thế. Họ phải biết khắt khe trong cạnh tranh, sáng tạo đổi mới, bắt kịp nhịp sống với thời cơ và may mắn.

 

Có thể thấy, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có các đặc điểm sau:

 

- Nguồn nhân lực khá dồi dào, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức; chưa được quy hoạch, khai thác; chưa được nâng cấp; chưa được đào tạo đến nơi đến chốn.

 

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.

 

-  Kết quả khảo sát hướng nghiệp trong học sinh cấp 3 thì hầu như các em không biết gì, cho nên dù có học đại học hay cao đẳng nhưng đến khi ra trường, các em vẫn không hòa nhập được vào thị trường lao động. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có nhóm giải pháp mang tính đột phá như: tạo sự liên thông giữa khâu giáo dục và đào tạo (phía cung) với thị trường việc làm, thị trường lao động (phía cầu) dựa trên các nguyên lý hiệu quả, năng suất lao động...

 

Có thể nói, muốn có đội ngũ trẻ phát triển kinh tế, xây dựng Tổ quốc thì các nhà lãnh đạo phải có tư duy mới, biết tin cậy vào giới trẻ, thế hệ kế cận của họ.

                  Hoàng Văn Dụ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang