Thứ Ba, 08/10/2024 01:41:36 GMT+7
Lượt xem: 6330

Tin đăng lúc 01-10-2016

Người tạo dấu ấn cho Thủy điện Thác Bà tự tin bước vào thời kỳ phát triển bền vững

Sinh ra tại lòng hồ thủy điện Thác Bà và lớn lên ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Thác Bà là người đã gắn bó với Nhà máy thủy điện Thác Bà suốt 30 năm qua (từ năm 1986 đến nay). Với xuất phát điểm ban đầu là công nhân được đào tạo cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, sau khi học xong, ông được Thủy điện Thác Bà giữ lại làm ở Tổ Sửa chữa điện, Phân xưởng Sửa chữa của Nhà máy.
Người tạo dấu ấn cho Thủy điện Thác Bà tự tin bước vào thời kỳ phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Thác Bà

Với ý chí phấn đấu trong công việc và tích cực học tập, năm 2000, Nguyễn Quang Thắng đã tốt nghiệp Khoa Hệ thống điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2001, ông được điều động về Phân xưởng Vận hành học Trưởng ca vận hành, rồi đi ca với chức danh Trưởng ca. Năm 2004, ông được điều động về Phòng Khoa học kỹ thuật và phụ trách toàn bộ mảng điện của Nhà máy, rồi được đề bạt làm Phó phòng Kỹ thuật. Thời gian này, ông trực tiếp tham gia vào công tác đại tu, nâng cấp tổ máy số 2. Ở vị trí nào, kỹ sư Nguyễn Quang Thắng cũng luôn dồn hết tâm huyết vào công việc, với suy nghĩ đặt lợi ích của Công ty lên trên hết. Chính vì vậy ông luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp tín nhiệm và đánh giá cao.

 

Năm 2006, Thủy điện Thác Bà tiến hành cổ phần hóa (CPH), đây là bước ngoặt quan trọng để Công ty thực hiện các định hướng, chiến lược của mình. Trong giai đoạn này, Công ty cũng cơ bản hoàn thành việc đại tu nâng cấp các tổ máy số 2, số 1, kỹ sư Nguyễn Quang Thắng trong vai trò là Trưởng phòng Kỹ thuật, được giao trực tiếp làm việc với các nhà thầu, cùng với các chuyên gia sang Nga để kiểm tra, nghiệm thu thiết bị được chế tạo tại nhà máy ở Saint-Peterburg. Đây là khoảng thời gian ông tích lũy, học hỏi và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc đại tu, nâng cấp các tổ máy. Năm 2010, trên cương vị là Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, kỹ sư Nguyễn Quang Thắng được cấp trên giao trọng trách làm Trưởng ban Dự án đại tu nâng cấp tổ máy số 3. Trong quá trình thực hiện, ông luôn tìm cách tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, với mục đích cuối cùng là đem lại hiệu quả, lợi ích cho NLĐ, cho các cổ đông và cho xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn một doanh nghiệp trong nước có năng lực làm tổng thầu dự án thay nhà thầu nước ngoài, để tránh lãng phí, ông đã mạnh dạn đề xuất với Hội đồng quản trị không nhất thiết phải thay thế toàn bộ thiết bị mà xem xét thiết bị nào còn tốt thì bảo dưỡng để tiếp tục sử dụng. Đề xuất này góp phần tiết kiệm được nhiều chi phí và điều quan trọng là chất lượng thiết bị vẫn được đảm bảo.

 

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chiếm phần lớn thời gian ở cơ quan, nhưng Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Thắng vẫn dành những lúc rảnh rỗi xuống nhà máy kiểm tra, phát hiện khiếm khuyết của thiết bị, máy móc để có phương án xử lý sự cố và ông là một trong những người có nhiều sáng kiến hữu ích nhất Công ty. Trong đó nổi bật là sáng kiến: Làm lô cuốn cho cáp cẩu thượng lưu và hạ lưu, bởi trước đây mỗi lần vận hành cáp bị kéo lê dưới đất dẫn đến tình trạng phải thường xuyên thay thế do bị hư hỏng. Sau khi đề xuất được đưa vào áp dụng đã khắc phục được hạn chế trước đây của cáp cẩu, giảm thiểu chi phí thay thế sửa chữa. Năm 2010, ông có đề xuất chuyển toàn bộ hệ thống kích từ dưới hầm ngầm lên cao trình 33 tại gian máy, vì trước đây hệ thống này được để dưới hầm kín, nhiệt độ cao, nóng, dẫn đến chất lượng thiết bị và linh kiện điện tử bán dẫn không bền. Từ khi chuyển lên, tuổi thọ vận hành của thiết bị đã được tăng lên rõ rệt. Ông tâm sự: “Là cán bộ quản lý kỹ thuật, bản thân mình phải hiểu rõ về nhà máy thì mới đánh giá được đúng tình hình, để có những quyết định đúng đắn và chỉ đạo sâu sát được, nếu không thì sẽ trở thành quan liêu mất”. Chính nhờ những thành tích xuất sắc trong công tác, nên năm 2012, ông Thắng được HĐQT tín nhiệm đề bạt giữ cương vị Tổng giám đốc Công ty và đến tháng 6/2013 được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT, kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty CP Thủy điện Thác Bà cho tới nay.

 

Với trách nhiệm của mình, ông Thắng còn cùng với Ban lãnh đạo củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ, từng bước bổ sung, hoàn thiện dần hệ thống quy chế liên quan đến hoạt động của Công ty, như: Quy chế dân chủ, quy chế phối hợp hoạt động giữa HĐQT với chuyên môn và các tổ chức đoàn thể; quy chế tiền lương, đào tạo tuyển dụng, khen thưởng kỷ luật... Mọi chế độ, chính sách đều xây dựng dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, đảm bảo các quyền lợi cho NLĐ, không để xảy ra tình trạng đơn thư tố cáo, hiện tượng trù dập, thiếu dân chủ, cửa quyền, quan liêu..., nhờ đó mà Công ty có một đội ngũ người lao động vững chuyên môn, tâm huyết với nghề, đoàn kết, gắn bó với cơ quan như chính gia đình mình vậy.

 

Khi có được sự đồng thuận, ông tập trung đầu tư thay thế các thiết bị đã cũ, lạc hậu, trong đó có 3 máy biến áp 110 kV – 63 MVA; 02 máy biến áp 35 kV – 10 MVA và 02 máy biến áp tự dùng, nhằm nâng cao hiệu suất vận hành của thiết bị, công nghệ, tăng hiệu quả kinh tế, năng suất lao động. Đồng thời, quyết liệt thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ISO 14001:2004. Nói quyết liệt bởi ngoài hệ thống ISO, thì cách đây không lâu, Thủy điện Thác Bà cũng đã tập trung triển khai mô hình 5S, nhằm tạo ra một môi trường sạch sẽ, tiện lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng, đem lại niềm tin cho khách hàng. Việc thực hiện 5S so với một số cơ quan, doanh nghiệp khác tuy có chậm, nhưng theo ông Thắng, nếu có lợi cho Công ty thì chậm cũng phải làm. Đến khi triển khai, nhận thấy một vài bộ phận trong Công ty chưa thực sự chuyển biến, đi vào nền nếp, Chủ tịch Nguyễn Quang Thắng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện xem đơn vị, cá nhân nào làm chưa tốt, để nhắc nhở, uốn nắn, thậm chí tổ chức quán triệt, họp bàn, nhằm xây dựng ý thức, tác phong nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, tạo môi trường sạch, đẹp và thân thiện.

 

 

Với mục đích mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, nghề, năm 2010, Công ty đã thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật, nhằm góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp và nâng cao đời sống NLĐ, tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm chưa thực sự hiệu quả. Năm 2013, ông Nguyễn Quang Thắng đã cùng với HĐQT Công ty định hướng phải giao quyền tự chủ, từng bước hạch toán kinh doanh tiến tới cổ phần hóa Trung tâm. Trước mắt, chủ trì tổ chức hội nghị khách hàng, quảng bá hoạt động dịch vụ và những tiềm năng, thế mạnh, khẳng định năng lực của Trung tâm, đồng thời, trực tiếp đứng ra bảo lãnh với khách hàng về các hợp đồng đã ký. Nhờ vậy mà hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mời Trung tâm tham gia thực hiện các dịch vụ về lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị máy móc cho các công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo đủ việc làm cho người lao động, đóng góp hàng tỷ đồng lợi nhuận vào doanh thu hàng năm của Công ty.

 

Đã 30 năm cống hiến cho công trình thủy điện, từ một công nhân, rồi trở thành người đứng đầu Công ty, kỹ sư Nguyễn Quang Thắng thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của người lao động khi phải làm việc trong điều kiện xa các trung tâm văn hóa, kinh tế lớn. Ông chia sẻ: “Để NLĐ yên tâm cống hiến thì việc chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho họ là điều rất quan trọng”, chính vì vậy, mà việc đảm bảo thu nhập cao, ổn định cho CBCNV, xây dựng nhà ở tập thể, duy trì khu văn hóa thể thao để NLĐ vui chơi sau mỗi ngày làm việc là hết sức cần thiết. Hiện tại, Công ty vẫn dành một phần kinh phí không nhỏ để xây dựng các sân tập luyện thể thao, hội diễn văn nghệ… và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có phong trào tốt nhất tỉnh Yên Bái.

 

Không chỉ lo cho sự phát triển của Công ty, về đời sống việc làm cho người lao động và phấn đấu đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách của tỉnh, Nguyễn Quang Thắng cũng là người dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Ông đau đáu ngày đêm chuyện người dân các địa phương vùng cao Yên Bái, đặc biệt là huyện miền núi Yên Bình đã vì công trình thủy điện, phải di dân khỏi lòng hồ Thác Bà, chấp nhận hiến dâng nhà cửa, đất đai, ruộng vườn để xây dựng nhà máy, khiến hàng chục năm sau, không chỉ bà con các dân tộc trên địa bàn vẫn nghèo, mà ngay cả con em họ đến trường học cái chữ cũng không được bằng bạn bè ở các xã vùng lân cận. Ông Thắng đã đề xuất trong HĐQT và chỉ đạo cơ quan chuyên môn trích quỹ phúc lợi hỗ trợ nhiều xã trong tỉnh xây dựng trường học, làm đường nông thôn. Không chỉ quan tâm tới cuộc sống hiện tại, mà còn nhớ cách đây không lâu, vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, chúng tôi có chuyến công tác tại huyện Yên Bình. Trong làn mưa giăng phủ kín mảnh đồi gần thị trấn trung tâm, người ta vẫn thấy rất đông cán bộ, công nhân, NLĐ của Công ty CP Thủy điện Thác Bà đội mưa thắp nhang viếng nghĩa trang liệt sĩ – Nghĩa trang do chính những NLĐ trong Công ty xây dựng. Được biết, đây là ý tưởng của ông Nguyễn Quang Thắng với sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, Công ty đã trích hàng tỷ đồng để xây dựng và quy tập 117 ngôi mộ liệt sĩ là CBCNV-LĐ nằm nằm rải rác trên địa bàn vào nghĩa trang riêng, thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Công ty đối với những người đã cống hiến trọng vẹn cuộc đời cho nhà máy hôm nay.

 

Bốn mươi nhăm năm Thủy điện Thác Bà dựng xây và trưởng thành, trong từng giai đoạn, ở mỗi thời kỳ đã có nhiều tấm gương CBCNV-LĐ xuất sắc cống hiến công sức, trí tuệ cho nhà máy và mảnh đất vùng cao này không ngừng phát triển, trong số đó có Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Quang Thắng. Xin cám ơn ông – người đã góp phần tạo nên dấu ấn, một hình ảnh đẹp để Thủy điện Thác Bà tự tin bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.   

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang