Thứ Năm, 19/09/2024 01:57:36 GMT+7
Lượt xem: 11640

Tin đăng lúc 08-07-2016

Ngành dây cáp điện Việt Nam sẽ ra sao khi TPP có hiệu lực?

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển hạ tầng cơ sở và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Dây cáp điện Việt Nam không ngừng được mở rộng và tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
 Ngành dây cáp điện Việt Nam sẽ ra sao khi TPP có hiệu lực?
Cáp điện trong nước cung ứng cho ngành điện chiếm 80 - 90% thị phần

Số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sản lượng cũng như chủng loại dây cáp điện tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này cũng sôi động hơn. Hiện tại Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dây cáp điện, trong đó có nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài để sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này với quy mô lớn và dây chuyền công nghệ hiện đại.

 

Khi TPP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành Dây cáp điện, vì thuế xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ về 0%. Đồng thời, hàng hóa dễ dàng tiếp cận với khu vực thị trường rộng lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canađa, Malaixia, Singapo… là những nước lâu nay nhập khẩu khá lớn dây cáp điện Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng có cơ hội tăng nhanh.

 

Hiện nay, thị phần trong nước mặt hàng dây cáp điện của các doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 80%, còn khoảng 20% là nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dây điện và dây cáp điện của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 900 triệu USD, trong 3 tháng đầu năm 2016 trị giá 214,83 triệu USD, tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Từ trước đến nay, doanh nghiệp FDI trong ngành Dây cáp điện tại Việt Nam chỉ tập trung sản xuất nhóm sản phẩm dành cho công nghiệp, nhằm cung cấp cho các công ty liên kết của họ ở nước ngoài. Vì thế, khối FDI cũng chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành, khoảng 95%.        

 

Thực tế, thị trường dây và cáp điện còn khả năng tăng trưởng cao, do Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh công nghiệp hóa. Ngành điện, ngành sản xuất ô tô cũng đang được đẩy mạnh và mở rộng. Trong bối cảnh mới, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Họ sẽ phải đáp ứng được tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe của các tổ chức tài chính thế giới, để trở thành nhà cung cấp chính trong các dự án điện sử dụng nguồn vốn ODA. Nhưng ngay cả doanh nghiệp lớn cũng thừa nhận rằng, phải cố gắng “chạy đua” để đạt được những tiêu chuẩn cần và đủ của ngành sản xuất dây cáp điện.

 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ xuất khẩu trung bình mấy năm gần đây của khối nội cũng chỉ nằm ở mức 3- 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Nguyên nhân chủ yếu xuất do doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức vượt qua các hàng rào kỹ thuật khi tham gia thị trường quốc tế

Bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp dây cáp điện Việt Nam, đó là, việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, chủng loại hàng hóa. Quy mô doanh nghiệp dây cáp điện Việt Nam còn nhỏ, chưa  thâm nhập được nhiều hệ thống phân phối chính, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, ngành Dây cáp điện sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, có thể dẫn tới phá sản. Hơn nữa, việc giảm thuế quan sẽ khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP (có thể cả từ Hàn Quốc, vì Việt Nam và Hàn Quốc đã ký FTA ) vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần dây cáp điện tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh còn gay gắt hơn.

 

Các nước tham gia TPP có xu hướng giữ bảo hộ đối với hàng hóa nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất dây cáp điện Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến sản phẩm dây cáp điện đứng trước những khó khăn lớn. Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm dây cáp điện. Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện của Việt Nam.

 

Nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ. Về phía các cơ quan nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực dây cáp điện để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong ngành dây cáp điện thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác trong TPP, đa dạng hóa đổi mới sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần thiết.

 

Bên cạnh việc chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về TPP, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước phải bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội, giảm thiểu được những thách thức, khó khăn.

 

Anh Thư


Tag:TPP

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang