Thứ Ba, 10/09/2024 22:05:14 GMT+7
Lượt xem: 5211

Tin đăng lúc 21-06-2014

Muốn có bài báo hay thì phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ

Viết báo đã khó, nhưng viết một bài báo chất lượng còn khó hơn. Khó ở đây không phải viết bài để khen, chê, văn hoa mùi mẫm, mà cái khó là phóng viên phải viết như thế nào để bạn đọc thấy hay, đối tác được viết thì thấy khen đúng mức, mà có chê thì cũng phải tâm phục khẩu phục.
Muốn có bài báo hay thì phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ

Tác giả tác nghiệp tại Công trình Thủy điện Sơn La

 

Người viết phải đi thực tế

 

Cách đây 20 năm, khi đó tôi còn là cán bộ thi đua tuyên truyền của một doanh nghiệp vào nằm vùng tại Tây Nguyên để thi công tuyến đường dây tải điện 500 kV đầu tiên của Việt Nam. Không nói thì ai cũng có thể hình dung, những người thợ đường dây sẽ khó khăn vất vả như thế nào, bởi Tây Nguyên được mệnh danh là vùng đất dữ “ruồi vàng, bọ chó, gió Đắklây”. Nhưng để khắc họa được nỗi gian truân vất vả của họ, tôi đã bám theo từng bước chân của những người thợ điện, khi thì băng rừng, vượt suối, lúc đắm mình trong những trận mưa quên ngày, quên tháng và cả nếm trải “hương vị” muỗi vắt của rừng núi Tây Nguyên. Rồi sau những chuyến đi ấy, cảm xúc như được tuôn trào đã thôi thúc tôi viết bài gửi ra Hà Nội và rồi được đăng ở báo này, lúc phát ở đài kia. Những bài báo được đăng, được sử dụng như động viên, khích lệ tôi tích cực đi, tích cực viết, để nói về tuyến đường dây cao áp 500 kV như cung đàn uốn lượn giữa vùng đất đỏ bazan; về kỷ niệm của người thợ đường dây gặp Anh hùng Núp; về sự tích thác Ialy trên dòng Sê San hùng vĩ, hay những buổi chiều buông đi ngắm hoa dã quỳ nơi đại ngàn Tây Nguyên hai mùa mưa nắng... Rồi một lần đi tuyến về, tôi nhận được bức thư mà người gửi là bà Trần Thị Trâm – lúc đó là Trưởng ban Kinh tế Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội và là “phu nhân” của nhà báo Hữu Thọ (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương). Trong thư bà viết: “Chị nhận được bài báo của em và đã sử dụng trên sóng rồi. Đọc bài báo, chị thấy thương em và những người thợ đường dây quá, vất vả như vậy liệu có vượt qua được không? Hãy cố gắng và tích cực viết bài cho Đài nhé”. Nhắc lại chuyện này, tôi muốn nói, để có bài báo hay, người viết phải đi thực tế, để được quan sát và tích lũy, được xúc động và chia sẻ.

 

Bài báo hay cần có tính phát hiện

 

Có một điều mà các phóng viên mới vào nghề thường hay mắc phải, đó là cường điệu, “hình sự hóa” vấn đề. Ví dụ, thay vì một cuộc trò chuyện, trao đổi để viết bài phỏng vấn về một vấn đề, phóng viên hay nói: Xin phỏng vấn ông; xin ông trả lời phỏng vấn... khiến đối tượng cần hỏi nếu không lo âu thì ngần ngại hợp tác và thông tin chắc chắn sẽ không được sâu. Bên cạnh đó, để có được một bài báo có chất lượng, “sạch sẽ”, ngoài cái tối thiểu là ít lỗi chính tả, câu cú lô gíc, ngữ pháp chuẩn mực, thì tính phát hiện của người phóng viên phải được đặt lên hàng đầu. Tôi còn nhớ, sau khi đã là nhà báo rồi, tôi được cơ quan tổ chức cho đi thăm quan thực tế ở một doanh nghiệp sản xuất cơ khí. Phóng viên thì đông, nên người nào cũng tranh thủ tác nghiệp: Xin tài liệu, hỏi han người này, người kia, ghi chép, rồi quay phim, chụp ảnh... rất nhộn nhịp, nhưng tôi thì không như vậy. Quan sát thấy cảnh quan, môi trường của công ty từ đường đi, lối lại, tới các phòng ban, phân xưởng sản xuất... đều ngăn nắp, gọn gàng, đặc biệt là tại các khu vực sản xuất, nơi nào cũng thấy gắn nhiều panô, áp phích về nội dung an toàn, bảo hộ lao động và môi trường, công nhân trong giờ làm việc không thấy hút thuốc lá, tụm năm, tụm ba trà nước. Ngoài một vài số liệu cần phải ghi chép và chủ yếu là ghi nhớ trong đầu, tôi lân la tới chỗ một công nhân đứng máy để tìm hiểu. Hỏi ra mới biết, từ nhiều năm qua, doanh nghiệp này làm ăn phát triển chính là do ông Giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm đầu tư thiết bị công nghệ, tới công tác an toàn bảo hộ lao động và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Khi gửi tặng ấn phẩm có bài viết về vấn đề này, phản hồi của lãnh đạo công ty cơ khí trên rất vui và mong muốn hợp tác.

 

Phóng viên trẻ Đỗ Linh

 

Nội dung phải có điểm nhấn

 

Để có một bài báo hay, cũng đòi hỏi phóng viên phải tìm cho được điểm nhấn trong nội dung cần truyền tải, chứ cứ viết, cứ đặt tít dạng “35 năm hình thành và phát triển”; “70 năm xây dựng và trưởng thành”..., và vấn đề phản ánh cứ mung lung, bình bình, nhàng nhàng, liệt kê đủ những việc mà doanh nghiệp tổng hợp trong báo cáo thì không thể đòi hỏi có được bài viết xúc tích, thuyết phục bạn đọc. Kinh nghiệm cho thấy, một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, được cấp này, cấp kia khen thưởng hay phong tặng danh hiệu cao quý, thì đều có những vấn đề nổi bật. Ví dụ, có thể tìm thấy ở tập đoàn đó, công ty đó điểm nhấn về làm tốt công tác quản lý kỹ thuật; đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn cho sản xuất; vấn đề tạo việc làm, chăm lo đời sống cho CBCNV; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng văn hóa doanh nghiệp..., nhằm tránh cho người đọc bị tra tấn bởi những bài viết chung chung, nhàm chán và đấy chính là cái riêng, cái tôi của người làm báo.

 

 Có ý kiến cho rằng, nghề báo thật vui và cũng rất được nể trọng, vui bởi được đi nhiều, biết nhiều, được gặp gỡ và tiếp xúc với mọi đối tượng, còn nể trọng bởi bài viết khen thì khen đúng mức và nếu có chê thì cũng phải chê cho tâm phục khẩu phục. Đúng là như thế, nhưng có lẽ, muốn được bài báo hay thì phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và phải xuất phát từ cái tâm của mình cho nội dung cần thể hiện.

 

Nguyễn Đừng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang