Thứ Ba, 08/10/2024 00:12:07 GMT+7
Lượt xem: 9006

Tin đăng lúc 06-05-2015

Một giờ với Giám đốc Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí

Chiều một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt ở Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí mở đầu cho chuyến công tác tại vùng mỏ Quảng Ninh. Do có hẹn trước nên anh cán bộ văn phòng nhanh nhảu mời đoàn lên phòng khách và chỉ ít phút sau, Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Tình đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện như một sự chia sẻ trước thực tế nghiệt ngã của cơ chế thì trường mà doanh nghiệp ông đã và đang phải vượt qua.
Một giờ với Giám đốc Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí
Khánh thành xưởng bảo dưỡng - sửa chữa xe ô tô

Vốn quen biết nhau từ lâu, nhưng lần gặp Giám đốc Nguyễn Văn Tình gần đây nhất cũng đã bốn năm rồi, khi đó, Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí tổ chức khai trương Xưởng sửa chữa ô tô. Với định hướng sẽ trở thành doanh nghiệp chủ lực của ngành Than về sửa chữa bảo hành máy móc, thiết bị xe máy, lắp ráp ô tô, chế tạo các sản phẩm cơ khí mỏ, các loại ắc quy, đèn lò và các sản phẩm chuyên dùng mỏ, cũng như kinh doanh các sản phẩm cơ khí..., đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nên nhiều năm trước đây, doanh thu của Công ty liên tục có những bước phát triển khá. Trong đó, giai đoạn năm 2007 – 2010, tốc độ tăng trưởng doanh thu cao từ 110 – 314%, đặc biệt, năm 2012, doanh thu đạt kỷ lục, lên tới hơn 800 tỷ đồng.

 

Tôi hỏi: Vậy mấy năm gần đây thì sao? Giọng Giám đốc Tình chùng xuống: Hai năm qua, Công ty hết sức khó khăn do việc thực hiện đề án cổ phần hóa, sắp xếp lại mô hình sản xuất kéo dài, trong khi một số lĩnh vực hoạt động của Công ty bị thu hẹp, hoặc cấp trên điều chuyển nhiệm vụ sang đơn vị khác, nên doanh thu giảm mạnh. Năm 2013, Công ty đạt 680 tỷ đồng thì sang năm 2014, doanh thu chỉ còn 520 tỷ. Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là Công ty chuyên sửa chữa đại tu ô tô, nhưng số lượng xe con trên địa bàn lại không nhiều, mặt khác, do nằm xa với quốc lộ nên Công ty khó cạnh tranh được với bên ngoài. Đặc biệt là từ khi sắp xếp lại tổ chức, một số CBCNV nghỉ chế độ và do thiếu việc làm nên lực lượng lao động cũng mỏng dần. Hiện tại, Công ty chỉ tập trung sửa chữa các loại xe vận tải của ngành Than, thời kỳ cao điểm nhất đạt 126 xe và năm thấp nhất là 86 xe.

 

Đề cập tới các giải pháp để doanh nghiệp duy trì phát triển, Kỹ sư Nguyễn Văn Tình cho rằng, sở dĩ Công ty vẫn tạo được việc làm cho 450 người lao động, chính một phần tác động từ chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, cũng như thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là chính sách quản lý cửa khẩu, biên giới được tổ chức nghiêm ngặt nên đã hạn chế được nhiều mặt hàng nhập lậu, trốn thuế từ nước ngoài. Vì vậy, các sản phẩm phụ tùng, phụ kiện như đèn mỏ, ắc quy tàu điện, bánh xe goòng, máng cào… do Công ty sản xuất đang được các doanh nghiệp ngành Than và thị trường sử dụng rộng rãi.

 

Giám đốc Nguyễn Văn Tình cũng chia sẻ, năm 2014, giữa lúc Công ty đang gồng mình vượt qua những khó khăn, một bộ phận người lao động đã nản chí, thì yếu tố tinh thần là hết sức quan trọng. Lãnh đạo Công ty mẹ - Than Uông Bí đã xuống Công ty tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và họp cùng với CBCNV để bàn các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Công ty cũng đã xốc lại tư tưởng, sắp xếp lại các bộ phận nghiệp vụ, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, thực hiện dân chủ hóa các khâu, từ khoán định mức, sản phẩm, công khai mức lương, thưởng, tuyển dụng, đảm bảo các chế độ ăn ca, bồi dưỡng độc hại…, trong đó, quan tâm hỗ trợ đào tạo tại chỗ, ưu tiên lao động nữ, lao động tại địa phương, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo và CBCNV.

 

Trong câu chuyện với Giám đốc Tình, có một điều mà chúng tôi thấy lạ, thắc mắc về việc thay đổi giờ ăn ca trưa ở Công ty vào lúc 10 giờ sáng, thì ông giải thích: Có lẽ ở khu vực Quảng Ninh cũng chưa có đơn vị nào bố trí ăn ca như ở đây. Là doanh nghiệp cơ khí, thường xuyên phải vận hành thiết bị, công nghệ chế tạo, sửa chữa sử dụng nhiều điện năng, nếu tránh được giờ cao điểm, sử dụng năng lượng vào giờ thấp điểm sẽ tiết kiệm được một nguồn kinh phí không nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo Công ty đã bàn bạc, thống nhất, được CBCNV đồng tình, đổi giờ ăn ca sớm và dành thời gian cho người lao động nghỉ trưa, đúng giờ quy định buổi chiều, mọi người tập trung làm việc. Với cách làm như thế, mỗi năm Công ty tiết kiệm được từ 200 – 300 triệu đồng tiền điện.

    

Trò chuyện với Nguyễn Văn Tình, chúng tôi thấy ông bộc lộ nhiều tư duy mới, có tính chiến lược. Những năm trước đây và sau khi cổ phần hóa, được Hội đồng Quản trị giao tiếp tục đảm trách là Giám đốc điều hành, tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng ông luôn quan niệm, tất cả phải vì lợi ích của Công ty, hiệu quả cho Doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động. Cái triết lý, lãnh đạo Công ty là khách hàng của người lao động và người tạo việc làm phải là chính mình và đây là tư duy của kinh tế thị trường, để người lao động phát huy hết khả năng, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, với những sản phẩm chất lượng nhất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng qua đó thu nhập mới được đảm bảo. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng củng cố thêm lòng tin của khách hàng khi dùng các sản phẩm của Công ty, giúp cho doanh nghiệp sản xuất ổn định và duy trì sự tăng trưởng. Chính vì vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tình cũng tự tin cho rằng, với sự cố gắng vượt khó, tinh thần lao động sáng tạo của tập thể CBCNV, tình hình sản xuất quý I/2015 đã có tín hiệu khả quan, doanh thu 3 tháng đầu năm đạt khoảng 110 tỷ đồng.

 

Với quyết tâm đưa sản xuất phát triển, phấn đấu đạt tổng doanh thu từ 550 – 600 tỷ đồng năm 2015, Lãnh đạo Công ty đang tập trung đầu tư có lựa chọn, có tính đến yếu tố phát triển trong tương lai và đảm bảo cân đối giữa giá trị đầu tư và kết quả sản xuất kinh doanh, nhằm đem lại hiệu quả cao, chủ yếu là các thiết bị, máy móc có ưu thế về hiệu suất sử dụng, hiệu suất thu hồi vốn nhanh. Ngoài việc duy trì phát triển dịch vụ sửa chữa, Công ty sẽ chú trọng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản xuất các mặt hàng truyền thống như mũ nhựa BHLĐ, ắc quy hầm lò, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ dự án sản xuất ắc quy xe điện theo công nghệ Hàn Quốc, nghiên cứu chế tạo phụ tùng các loại xe, thiết bị hầm lò… với tôn chỉ là tăng hàm lượng chất xám vào trong từng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 

Một giờ tại Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí như trôi nhanh. Câu chuyện giữa chúng tôi với Giám đốc Nguyễn Văn Tình vẫn như chưa có hồi kết, nhưng liên tục bị gián đoạn bởi ông phải ký tá, xử lý nhiều công văn, giấy tờ do văn thư trình lên. Như hiểu được tâm lý của khách, Nguyễn Văn Tình cười và bảo rằng, quản lý điều hành bận thì bận thật, nhưng phải biết phân phối thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Nói thì nói thế, nhưng chúng tôi cũng không muốn làm mất thêm thì giờ của ông nữa. Bởi ở cái thời buổi của cơ chế thị trường, điều hành một doanh nghiệp mà chủ yếu là sản xuất và các hoạt động dịch vụ, với nhiều bộn bề khó khăn, “lúc chồi, lúc sụt”, vậy mà người đứng đầu cơ quan vẫn cười, vẫn lạc quan như Giám đốc Nguyễn Văn Tình, thì chắc chắn, không có lý do gì để doanh nghiệp không vượt qua và phát triển.

 

Nguyễn Đừng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang