Thứ Năm, 19/09/2024 00:42:05 GMT+7
Lượt xem: 1101

Tin đăng lúc 12-07-2024

Kỉ niệm 70 năm giải phóng huyện Thạch Thất

Tối 11/7, huyện Thạch Thất đã long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954 - 13/7/2024). 70 năm qua, công tác xây dựng Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện đạt trong sạch, vững mạnh; kinh tế phát triển, đạt nhiều thành tựu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu/người/năm.
Kỉ niệm 70 năm giải phóng huyện Thạch Thất
Ông Lê Minh Đức, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất phát biểu khai mạc Lễ kỉ niệm 70 năm giải phóng huyện Thạch Thất

Tham dự Lễ kỉ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố; lãnh đạo huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang,… và đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện,…

 

Phát biểu khai mạc, ông Lê Minh Đức – Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất đã ôn lại truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang của quân và dân huyện Thạch Thất qua các thời kỳ: Huyện Thạch Thất nằm ở phía Tây Thủ đô, được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc - vùng đất cổ, được thiên nhiên ưu đãi, nơi “Địa linh nhân kiệt” của xứ Đoài, có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược an ninh, quốc phòng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với sự thay đổi nhiều lần về tên gọi và địa giới hành chính khác nhau, nhưng những giá trị lịch sử về văn hóa, con người, tiêu biểu như: Chùa Tây Phương; Danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan và những sự kiện lịch sử về các cuộc tập hợp, dân binh dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, những anh hùng và nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, góp phần gìn giữ giang sơn, bờ cõi, đã khẳng định truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, kiên cường cách mạng, bất khuất hiên ngang của nhân dân trong Huyện kể từ khi hình thành vùng đất Thạch Thất đến nay. Trong các thời kỳ kháng chiến, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo và cùng với nhân dân vừa tham gia kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cùng Hà Nội và cả nước giành thắng lợi, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Biên giới, huyện Thạch Thất có 2.221 Liệt sĩ; 1.461 Thương binh; 1.060 Bệnh binh; 2.188 Người nhiễm chất độc hoá học; 27 cán bộ lão thành, cán bộ tiền khởi nghĩa và 225 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được vinh danh. 

 

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thay mặt thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất

 

Bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống quê hương văn hóa - anh hùng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, hướng về cơ sở; quan tâm, chú trọng giải quyết các việc khó, tồn tại, các vấn đề dân sinh bức xúc; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng: Đến năm 2023, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 15,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn Huyện đạt gần 1.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân trong Huyện đạt trên 100 triệu đồng/người/năm. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay đã có 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, 03 xã đạt chuẩn NTM kiễu mẫu; năm 2024 phấn đấu có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Hạ Bằng, Đồng Trúc và 02 xã Phùng Xá, Lại Thượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; các mục tiêu văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ giàu tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống, toàn Huyện chỉ còn 22 hộ nghèo, bằng 0,039%, hộ cận nghèo còn 1.680 hộ, bằng 2,95%. Công tác xây dựng Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong Huyện đạt trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. 

 

Với niềm tự hào, niềm tin và khát vọng phát triển mạnh mẽ, thay mặt Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Đức kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường; khắc phục các khó khăn, hạn chế; khát vọng vươn lên, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; phấn đấu không ngừng vì một Thạch Thất ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại; trở thành Thành phố phía Tây của Thủ đô Anh hùng. 

 

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất

 

Thay mặt thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã chúc mừng và ghi nhận, đánh giá rất cao những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng như những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong suốt 70 năm qua. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra bốn nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Huyện theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người, nhất là các đặc trưng của văn hoá xứ Đoài, giá trị văn hoá tiêu biểu của huyện, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số.

 

 

Các đại biểu tham dự nghi thức gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng

 

70 năm đã đi qua, niềm tự hào về miền quê giàu truyền thống văn hóa, miền quê cách mạng đã và đang là động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Thạch Thất phấn đấu xây dựng huyện phát triển lên tầm cao mới. 

 

Minh Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang