Thứ Hai, 07/10/2024 23:53:19 GMT+7
Lượt xem: 5067

Tin đăng lúc 02-08-2015

Khuyến công Bắc Kạn: Hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Phần lớn các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, khuyến công là lĩnh vực tuy không còn mới, song, nhận thức của một số tổ chức, DN và cá nhân chưa được đầy đủ, do đó, mạng lưới hoạt động khuyến công đến cấp huyện, xã chưa được hình thành, nên triển khai hoạt động khuyến công còn gặp nhiều khó khăn.
Khuyến công Bắc Kạn: Hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân
Tham gia Hội chợ hàng công nghiệp khu vực đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2015

Bên cạnh đó, định mức chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn thấp nên chưa thu hút được sự quan tâm từ phía doanh nghiệp CNNT. Một số đề án khuyến công được khảo sát kỹ ở cơ sở nhưng khi xây dựng kế hoạch và triển khai thì không có khả năng thực hiện do năng lực tài chính của cơ sở còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước còn nhiều bất cập do chưa có cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác khuyến công ở khu vực các tỉnh miền núi, vùng cao).

 

Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực, cố gắng triển khai nhiều đề án khác nhau, trong đó tập trung hỗ trợ khai thác thế mạnh của các địa phương, bao gồm hỗ trợ: Ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; Nâng cao năng lực quản lý; Đào tạo nghề, truyền nghề; Hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm; Tư vấn quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức về hoạt động khuyến công; Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất; Tư vấn khởi sự doanh nghiệp; Phổ biến chính sách khuyến công…

 

 

Ảnh minh họa

 

Với lợi thế là địa phương có tới 85% diện tích tự nhiên là đất rừng và đất nông nghiệp nên từ năm 2010 – 2014, Trung tâm Khuyến công đã tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và các đề án sản xuất, chế biến nông, lâm sản, nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ yếu như nông, lâm sản (sản xuất phở, miến dong), sản xuất vật liệu xây dựng (đồ mộc dân dụng, gạch bê tông, ván bóc)... Trong 5 năm qua, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN Bắc Kạn đã phối hợp triển khai khoảng 20 đề án khuyến công quốc gia và 95 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, từ nguồn kinh phí quốc gia, Trung tâm đã dành 199 triệu đồng để tổ chức đào tạo nghề chế biến tinh bột dong riềng cho 240 lao động tại 08 đơn vị thuộc 3 huyện Ba Bể, Pác Nặm và Na Rì.

 

Theo Quyết định số: 1396/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn, năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ có 11 dự án khuyến công địa phương được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 750 triệu đồng. Trung tâm sẽ tập trung thực hiện một số dự án tiêu biểu như: Thông tin, tuyên truyền hoạt động khuyến công với mức hỗ trợ 28 triệu đồng; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu với mức hỗ trợ 105 triệu đồng. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công sẽ dành kinh phí 187 triệu đồng để hỗ trợ tổ chức các hội chợ triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, triển khai xây dựng kế hoạch dài hạn cho hoạt động khuyến công địa phương giai đoạn 2016 – 2020.

 

Để hoạt động khuyến khích phát triển CNNT thực sự phát huy tác dụng, trong thời gian tới, cùng với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thì rất cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Công Thương, Lãnh đạo tỉnh, Cục Công nghiệp địa phương, sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, huyện, thị xã, để hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng đem lại hiệu quả. Trong đó, Trung ương và địa phương cần tạo điều kiện quan tâm hơn nữa về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị phục vụ hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hoá; Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công của tỉnh để nâng cao năng lực hoạt động và quan trọng là tăng cường bổ sung nguồn kinh phí khuyến quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương cho các đề án khuyến công của tỉnh, giúp cho công tác khuyến công thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, đáp ứng được với yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH.

 

Thu Thảo 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang