Thứ Ba, 10/09/2024 21:49:32 GMT+7
Lượt xem: 342

Tin đăng lúc 02-01-2024

Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Thúc đẩy công nghiệp nền tảng và chuyển đổi số

Trước yêu cầu chung của toàn ngành Công Thương, lĩnh vực khoa học và công nghệ đã xác định phải tập trung triển khai mạnh 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên.
Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Thúc đẩy công nghiệp nền tảng và chuyển đổi số
Kết quả các chương trình khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận

Ghi nhận những kết quả của sự nỗ lực cao

 

Trải qua nhiều khó khăn, thách thức với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều trở ngại, khu vực doanh nghiệp phục hồi chậm, ảnh hưởng từ những thay đổi của các quy định mới nhưng công tác khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương năm 2023 đã ghi nhận những kết quả của sự nỗ lực cao.

 

Chia sẻ cụ thể về những kết quả đó, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 đánh dấu việc ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030. Chiến lược này cùng các chương trình, đề án KH&CN được các cấp thẩm quyền phê duyệt đã trở thành định hướng xuyên suốt cho công tác tổ chức, hướng dẫn triển khai các hoạt động của Bộ gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030.

 

Năm 2023, Bộ cũng tập trung xây dựng, phát triển, liên kết mạng lưới các tổ chức KH&CN của ngành, lấy các tổ chức KH&CN công lập là trung tâm để kết nối với tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty, trường đại học thuộc Bộ, các tổ chức KH&CN có uy tín trong nước và quốc tế.

 

Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động KH&CN cấp Bộ; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN cùng các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong giai đoạn tới, từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng, xây dựng TCVN, QCVN tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng, ban hành 12 QCVN trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn công nghiệp, thiết bị phòng nổ trong hầm lò và vật liệu nổ công nghiệp, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ trong quản lý an toàn đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Thực hiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 24 tổ chức đánh giá sự phù hợp và cấp quyết định chỉ định cho 3 tổ chức.

 

Mặt khác, phối hợp các đơn vị chức năng trong Bộ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến trong trao đổi thương mại, duy trì ổn định xuất nhập khẩu, góp phần ổn định kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

 

Phấn đấu cao nhất đạt các mục tiêu

 

Năm 2024, dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen; nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Trước yêu cầu chung của toàn ngành Công Thương, lĩnh vực KH&CN đã xác định phải tập trung triển khai mạnh 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên.

 

Thứ nhất, tập trung triển khai Chiến lược KH&CN và các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm cấp Bộ trên cơ sở cụ thể hóa thành các cụm nhiệm vụ, nhiệm vụ ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ trong kế hoạch trung hạn và kế hoạch KH&CN hàng năm.

 

Để làm được điều này, Bộ sẽ tiến hành rà soát, làm việc với các viện, trường thuộc Bộ và các tổ chức KH&CN trong ngành Công Thương để gắn kết mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược với định hướng phát triển của từng đơn vị, tổ chức. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để đẩy mạnh nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng, tiến tới hình thành sản phẩm KH&CN, sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao.

 

Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển ngành. Đây là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách, gắn kết các kết quả nghiên cứu khoa học với quá trình hoàn thiện chính sách phát triển ngành.

 

Các đơn vị trong Bộ cần chủ động rà soát các chương trình/kế hoạch công tác của Bộ và yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước để đề xuất các yêu cầu triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho giai đoạn 3 - 5 năm cũng như từng năm; tăng cường phối hợp giữa đơn vị đặt hàng và sử dụng kết quả, đơn vị quản lý KH&CN và các đơn vị nghiên cứu có năng lực (trong và ngoài Bộ).

 

Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở phối hợp giữa các chương trình KH&CN với các chương trình/đề án khác nhau trong Bộ để nâng cao hiệu quả, khả năng tác động, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.

 

Theo Vụ KH&CN, hiện nay, các đơn vị trong Bộ đang chủ trì triển khai nhiều chương trình/hoạt động khác nhau với đối tượng hướng đến là doanh nghiệp. Để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đồng thời tác động toàn diện tới các nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp để triển khai các hoạt động này.

 

Cùng với đó, tập trung triển khai kết nối hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở kết nối của các đơn vị đầu mối trong Bộ với hoạt động của tập đoàn/tổng công ty/công ty và hiệp hội sản xuất, doanh nghiệp; tổ chức cung cấp các dịch vụ (viện nghiên cứu, trường đại học…).

 

Thứ tư, tập trung triển khai xây dựng kế hoạch KH&CN hướng tới các cụm nhiệm vụ/nhiệm vụ quy mô lớn, xâu chuỗi từ hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ tại các trường, viện tới ứng dụng trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Một số lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Luyện kim, hóa chất, cơ khí chế tạo, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Bên cạnh đó, nhóm nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển ngành tiếp tục được ưu tiên, đặt hàng các đơn vị triển khai trong năm 2024.

 

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào áp dụng thống nhất các quy định về quản lý hoạt động KH&CN của Bộ Công Thương theo hướng minh bạch, hiện đại; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; hình thành các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, tổ chức triển khai hoạt động KH&CN của toàn ngành. Chủ động phối hợp với Bộ KH&CN và đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, sửa đổi Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn đảm bảo việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hướng tới các chính sách có tính đột phá để thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

 

Thứ năm, tập trung triển khai đôn đốc xây dựng, tổ chức thẩm tra các dự thảo QCVN đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu đề ra theo Lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN lĩnh vực Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 3263/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; triển khai xây dựng để sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các QCVN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

 

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa từ các nước nhập khẩu.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang