Thứ Hai, 07/10/2024 15:45:09 GMT+7
Lượt xem: 486

Tin đăng lúc 01-01-2024

Khẳng định ưu thế hàng Việt Nam

Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng, kết nối cung-cầu hàng hóa… Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Khẳng định ưu thế hàng Việt Nam
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước tại siêu thị AEON Mall Long Biên, Hà Nội

Tuy nhiên, để hàng sản xuất trong nước thật sự có sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn đến chất lượng, giá thành và tạo sự khác biệt để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

 

Chưa đến tháng Chạp mà các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, nguồn thực phẩm sạch, an toàn, các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... luôn được ưu tiên trưng bày tại vị trí trang trọng, dễ thấy trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chị Thu Huyền (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, chị thường mua bánh kẹo, hoa quả ngoại nhập về biếu Tết. Tuy nhiên, một phần do giá đắt, một phần lo ngại hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, cho nên dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này chị chuyển sang mua sản phẩm Việt Nam. “Hàng Việt giá phải chăng, mẫu mã, chất lượng cũng đẹp và ngon hơn so với trước, đặc biệt mình có thể yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ”.

 

Là người tiêu dùng ưu chuộng hàng Việt, chị Hoàng Anh, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, phần lớn đồ dùng trong gia đình chị đều là hàng Việt Nam. “Từ các loại thực phẩm thiết yếu đến những thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hóa phẩm, nhất là hàng may mặc, tôi đều chọn các mặt hàng sản xuất trong nước bởi giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng được cải tiến và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, chị Hoàng Anh nói.

 

Cùng chung quan điểm với chị Huyền và chị Hoàng Anh, anh Trung ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết thêm: Hiện tại trong các hệ thống siêu thị luôn có chương trình giảm giá các mặt hàng rau, củ, trái cây sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

 

Có thể thấy, từ chỗ phải kêu gọi ủng hộ, đến nay hàng sản xuất trong nước đã thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng trong nước đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất đang đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.

 

Ðáng chú ý, các doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm..., từ đó tạo sự tin dùng và tự hào về hàng Việt.

 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2023, ngành Công Thương Hà Nội cùng với hơn 30 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường kết nối cung-cầu hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương như: Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia hơn 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng Việt tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức; giới thiệu, cung cấp danh sách 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành phố đến hệ thống phân phối Hà Nội.

 

Rất nhiều nông sản, sản phẩm OCOP được kết nối, đưa vào hệ thống phân phối của thành phố Hà Nội, được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng, đã được các tỉnh ghi nhận, đánh giá cao… Việc triển khai thực hiện hoạt động kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã góp phần tăng hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, đơn vị phân phối Hà Nội tìm được nguồn hàng ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

 

Ðiển hình là các loại trái cây mùa vụ các tỉnh: cam, bưởi tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, xoài, mận Sơn La, na Lạng Sơn; gạo Quảng Trị…, sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Ninh, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh... Thực tế cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đã giúp hàng Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn. Một số thương hiệu hàng Việt Nam không chỉ định danh ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới như Vinamilk, TH True Milk, cà-phê Trung Nguyên, gạo Lộc Trời... đã lan tỏa tinh thần và giá trị Việt Nam.

 

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá chung hàng Việt trên thị trường vẫn còn những khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng vẫn khó kiểm soát dẫn đến phần nào giảm lòng tin của người tiêu dùng.

 

Mặt khác, do cơ chế bảo đảm cạnh tranh, sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, cũng dẫn đến việc còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

 

Cùng với đó, việc thiếu đồng bộ và chậm thay đổi trong việc đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất đã ảnh hưởng việc nâng cao chất lượng hàng Việt. Cụ thể, việc đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc quét mã QR chưa được rộng rãi ở khắp các địa phương, và việc quét mã cũng chưa cung cấp đầy đủ thông tin mang lại sự tin tưởng của khách hàng cho hàng Việt.

 

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử rộng khắp, thành phần tham gia mua bán đông đảo, khó nắm bắt, dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.

 

Ðây là những nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa thật sự tạo độ tin tưởng cho người tiêu dùng về chất lượng và độ an toàn, cũng như mẫu mã, giá cả; tiêu chuẩn của nhiều sản phẩm chưa thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc khai thác tối đa hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vào sự phát triển thị trường trong nước.

 

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng loạt chương trình, hội chợ, phiên chợ hàng Việt thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường.

 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan

 

Ngành Công Thương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa...

 

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.

 

Theo nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang