Thứ Sáu, 13/09/2024 06:02:57 GMT+7
Lượt xem: 1323

Tin đăng lúc 29-07-2024

KCN Dệt may Rạng Đông (Nam Định): Góp phần phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may

Cùng với thuận lợi về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, tỉnh Nam Định được coi là “cái nôi" của ngành Dệt may Việt Nam. Trong đó, việc thành lập khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ điểm nghẽn của ngành trong khâu dệt nhuộm, góp phần phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào bền vững cho ngành Dệt may Việt Nam trong dài hạn.
KCN Dệt may Rạng Đông (Nam Định): Góp phần phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may
Dây chuyền sản xuẩt vải tại Nhà máy TOP TEXTILES

KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP), ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với diện tích gần 520 ha, có vị trí “chiến lược” kết nối trực tiếp với hầu hết các tuyến đường thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, dễ dàng tiếp cận với các hạ tầng cao tốc đường bộ, đường thủy nội địa và quốc tế, đường sắt; là cửa ngõ liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

 

Được quy hoạch xây dựng trở thành trung tâm sản xuất, thương mại, dịch vụ về dệt may và thời trang hàng đầu Việt Nam, Aurora IP đã trở thành lựa chọn hàng đầu khi đầu tư vào lĩnh vực dệt may và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Thời gian qua, với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước, cùng với chủ trương đúng đắn và các giải pháp đồng bộ của tỉnh, Aurora IP đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI lớn, nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích lên tới gần 40%, với quy mô tổng giá trị vốn đầu tư gần 400 triệu USD; dự kiến tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Điển hình như: Dự án Công ty TNHH Top Textiles, sản xuất các sản phẩm sợi vải của Tập đoàn Toray (Nhật Bản), với diện tích 31,2ha; tổng mức đầu tư 203 triệu USD; tổng công suất dự kiến của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét vải/năm; dự kiến tạo việc làm cho khoảng trên 3.000 công nhân và người lao động. Dự án Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD, của Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, với diện tích trên 24,16 ha; dự kiến công suất mỗi năm của dự án đạt 55 triệu m² vải có nhuộm, 5 triệu m² vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo; tạo việc làm cho khoảng 2.500 công nhân và người lao động… (dự kiến dự án sẽ mở rộng lên đến 200 triệu USD). Dự án Nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic (Đài Loan), tập trung vào lĩnh vực nhuộm vải hoàn tất và sản xuất vải dệt thoi; tổng vốn đầu tư hơn 6 triệu USD, với diện tích 3,06ha; dự kiến công suất trung bình 16,5 triệu m/năm, trong đó nhuộm vải cotton công suất 9,9 triệu m/năm và nhuộm vải polyester công suất 6,6 triệu m/năm, tạo việc làm cho hơn 320 lao động. Dự án Sanbang Pte. Ltd (Singapore), sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD; với diện tích trên 10,34 ha; công suất dự kiến mỗi năm đạt 15 nghìn tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15 nghìn tấn sợi DTY; dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. 

 

Nổi bật trong đó, ngày 13/7, Công ty TNHH TOP TEXTILES tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy TOP TEXTILES tại Aurora IP.

 

Dự án Nhà máy Dệt nhuộm TOP TEXTILES tại KCN Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng được Công ty TNHH Top Textiles thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) triển khai xây dựng trên diện tích 31,2 ha với tổng mức đầu tư hơn 203 triệu USD. Đây là dự án quan trọng góp phần vào công cuộc tái cấu trúc chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. 

 

 

KCN Dệt may Rạng Đông trở thành lựa chọn hàng đầu khi đầu tư vào lĩnh vực dệt may và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam của các nhà đầu tư

 

Dự án Nhà máy Dệt nhuộm TOP TEXTILES được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm (Theo đó công suất của nhà máy là 60 triệu mét vải, khổ 1,6m (bằng 96 triệu m2 vải/năm), gấp 4 lần công suất của Nam Định hiện nay (công suất của Nam Định hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm). Dự án tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là Dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm.

 

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhấn mạnh: Việc khánh thành, đưa nhà máy vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Nam Định, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận; lan tỏa sức hấp dẫn, đồng thời khẳng định khả năng đáp ứng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư lấp đầy tại KCN Dệt may Rạng Đông, từng bước đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước.

 

Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị này cũng đã ký Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited tại KCN Dệt may Rạng Đông.

 

Theo Giấy chứng nhận, dự án đầu tư (do Công ty Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD thực hiện) thuộc lĩnh vực dệt may, có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.467 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD.

 

Sản phẩm của dự án gồm: Vải có nhuộm (giai đoạn 1 công suất thiết kế dự kiến 35 triệu m2/năm; giai đoạn 2 là 10 triệu m2/năm; giai đoạn 3 là 10 triệu m2/năm). Vải không nhuộm (giai đoạn 1 công suất thiết kế 3 triệu m2/năm; giai đoạn 2 là 01 triệu m2/năm; giai đoạn 3 là 01 triệu m2/năm), quần áo (giai đoạn 1 công suất thiết kế 5 triệu sản phẩm/năm; giai đoạn 2 là 10 triệu sản phẩm/năm; giai đoạn 3 là 05 triệu sản phẩm/năm). Giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào sản xuất chính thức từ quý III/2026.

 

Thời gian tới, KCN Dệt may Rạng Đông tiếp tục nỗ lực không ngừng để trở thành điểm đến đầu tư với dịch vụ, tiện ích tốt nhất đồng thời là KCN kiểu mẫu, cung cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp phụ trợ dệt may tại Việt Nam.

 

Huyền My


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang