Thứ Tư, 13/11/2024 18:33:58 GMT+7
Lượt xem: 450

Tin đăng lúc 20-09-2024

Huyện Thạch Thất: 33 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2024

Sáng ngày 18/9, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện năm 2024. Toàn huyện có 33 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Kết quả, có 29 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Huyện Thạch Thất: 33 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2024
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất năm 2024

Tham dự hội nghị có các ông: Phùng Khắc Sơn – UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất; Trần Đức Thanh, Trưởng phòng kinh tế huyện; cùng các Thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất tại Quyết định số 4281/QĐ-UBND ngày 8/8/2024 của UBND huyện; đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần Sông Đà Kinh Bắc; các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP tham dự hội nghị.

 

 

Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất năm 2024

 

Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất năm 2024, có 33 sản phẩm, trong đó 26 sản phẩm đánh giá lần đầu, 7 sản phẩm đánh giá lại. Các sản phẩm gồm: Bánh chè lam, chè kho, bánh dầy, bánh chưng, kẹo lạc, bánh gio, cà nén, kẹo vừng, bánh cốm, rau, củ quả, tương ới, nước mắm, nấm, đồ gia dụng trang trí…

 

 

Bánh chè lam vị gấc xã Đại Đồng tham gia đánh giá phân hạng

 

Trong đó, xã Đại Đồng có 06 sản phẩm: Bánh dày nhân ngọt, Bánh dày nhân mặn, Chè kho Đại Đồng, Kẹo lạc mix hạt, Chè lam Bà Oanh vị sầu riêng, Bánh chè lam vị gấc. Xã Yên Bình có 04 sản phẩm của Công ty TNHH Khai thác Tiềm năng sinh thái Hòa Lạc, Rau mít hữu cơ Đại Ngàn, Rau báng hữu cơ Đại Ngàn, Rau mì chính hữu cơ Đại Ngàn, Lá dổi đất hữu cơ Đại Ngàn. Xã Thạch Xá có 05 sản phẩm, gồm: Bánh chè lam vừng, Kẹo dồi lạc, Kẹo lạc, Kẹo vừng của Cơ sở sản xuất Long Hoàng Vũ và Bánh chè lam vị cốm của HKD Nguyễn Trí Thủy. Xã Tân Xã có 01 sản phẩm Bánh Chưng quê Tân Xã của HKD Đỗ Thị Bích. Xã Hương Ngải có 05 sản phẩm: Bánh tro, Cà bát nén của HKD Kiều Thị Thu Hà, Rau muống, Cải xanh, Cải ngọt của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải.

 

Xã Cẩm Yên có 03 sản phẩm: Tương ớt, Tương gạo nếp, Dấm gạo nếp của Cơ sở chế biến thực phẩm Nam Ngư. Xã Bình Yên có sản phẩm Dưa chuột của HTX nông nghiệp Bình Yên. Xã Lại Thượng có 03 sản phẩm: Mộc nhĩ, Nấm sò của HKD nấm làng vàng; Thanh long ruột đỏ của HKD Vương Văn Hải. Xã Phùng Xá có 03 sản phẩm: Tap inox mạ PVD mặt đá nhân tạo, Bàn trà sắt sơn tĩnh điện mặt đá ceramic, Kệ consoleinox mặt kính của HKD Nguyễn Xuân Phúc. Xã Canh Nậu có 02 sản phẩm: Tranh Bách điểu kiều phượng, Tranh vinh quy bái tổ của HKD Bùi Bá Trọng.

 

 

Tương ớt của xã Cẩm Yên tham gia đánh giá, phân hạng

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Khắc Sơn- UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất nhấn mạnh: Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

 

 

Ông Phùng Khắc Sơn - UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất phát biểu tại hội nghị

 

Thời gian qua, huyện Thạch Thất đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 162 sản phẩm OCOP, trong đó 46 sản phẩm đạt 3 sao, 116 sản phẩm đạt 4 sao.

 

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng năm 2024 đều là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống, thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện. Các chủ thể đã quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản vật và sử dụng lao động địa phương, có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất để mở rộng thị trường. Thông qua việc đánh giá, phân hạng, khi được công nhận, sản phẩm OCOP sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện để phát triển và nâng giá trị sản phẩm… Đồng thời các chủ thể có sản phẩm sau khi được chứng nhận tiếp tục hoàn thiện, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài huyện.

 

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang