Thứ Ba, 17/09/2024 18:54:16 GMT+7
Lượt xem: 222

Tin đăng lúc 28-03-2024

Hàng hóa đua nhau tăng giá trước tăng lương

Tình trạng các mặt hàng nhu yếu phẩm đều đua nhau tăng giá trước khi tăng lương khiến công chức, viên chức, người lao động càng thêm áp lực trước nỗi lo chi tiêu.
Hàng hóa đua nhau tăng giá trước tăng lương
Người lao động cân nhắc chi tiêu, mua sắm trước biến động của giá cả. Ảnh: Bích Ngọc

Hàng hóa tăng giá trước khi tăng lương

 

Đi chợ mỗi buổi sáng như thường lệ, chị Hồ Tú Anh (một công chức tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) không quá để ý khi giá cả hàng hóa mỗi thứ tăng lên một ít. Tuy nhiên, sau khi về nhà tính toán lại chi phí mua sắm, chị Anh mới giật mình vì số tiền mua thực phẩm nhiều hơn dự định.

 

Chị Anh cho biết: “Gần nửa tháng nay, rau tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg,... Mỗi thứ thấy tăng một ít nên tôi cũng không để ý, cứ mua lượng thức ăn như hàng ngày. Khi về xem lại chi tiêu mới giật mình khi mua vượt gần 100.000 đồng so với dự định chi tiêu cho ăn uống hàng ngày của gia đình”.

 

Cũng theo chị Anh, kể từ sau khi hay tin thu nhập công chức, viên chức, người lao động có thể sẽ tăng khi triển khai chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 được thực hiện thì hàng hóa cũng "té nước theo mưa". "Tình trạng hàng hóa tăng giá trước khi lương tăng cũng thường xảy ra. Bây giờ đi chợ, mớ rau, lô trứng đã rục rịch tăng giá trước", chị Anh nói.

 

Giá cả hàng hóa tăng đã khiến anh Nguyễn Văn Nhàn (giáo viên dạy Toán tại một trường cấp 2 ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cũng không khỏi giật mình. "Lúc trước đi chợ, vài quả ớt, ít hành lá tiểu thương còn cho thêm. Bây giờ ớt, hành lá cũng phải bỏ tiền ra mua. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng đến xăng xe, điện nước cũng tăng giá khi lương còn chưa kịp tăng".

 

Vui mừng chưa trọn đã lo xoay xở

 

Tình trạng hàng hóa "té nước" theo lương khiến công chức, viên chức, người lao động lo lắng vì ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của gia đình. Từng vui mừng và đặt nhiều kì vọng thu nhập sẽ cải thiện sau khi chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 được thực hiện, nay anh Nhàn lại cảm thấy áp lực vì gồng gánh nỗi lo chi tiêu của gia đình khi giá cả tăng.

 

Anh Nhàn cho biết: “Thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, tôi lại là thu nhập chính của gia đình. Lúc nghe sắp thực hiện cải cách tiền lương, vợ chồng tôi luôn kì vọng lương sẽ tăng để cải thiện thu nhập. Nay lương chưa kịp tăng mà con cá, mớ rau, giá gas đã rục rịch tăng giá trước thì cuộc sống thêm phần khó khăn hơn".

 

Cũng theo anh Nhàn, để tiết kiệm ngân sách của gia đình, vợ chồng anh chi tiêu căn ke hơn. “Vợ chồng tôi đi chợ chỉ mua đồ dùng cần thiết, tái sử dụng nước rửa rau tưới cho cây, tận dụng thùng xốp, vỏ chai trồng rau cải tại nhà để dùng, vừa sạch, vừa tiết kiệm chi tiêu”, anh Nhàn cho hay.

 

“So với cấp bậc được quy định, tôi có thể được tăng lương 3 năm/lần, mức tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Tăng ít nhiều cũng giúp đời sống cải thiện, có thể chi tiêu thoải mái hơn. Nhưng giá cả hiện cứ theo thang, biến động theo lương thì cuộc sống vẫn còn khó khăn. Giờ tôi chỉ chọn cách chịu khó đi siêu thị mỗi tối, mua hàng giảm giá”, chị Hồ Tú Anh cho hay.

 

Theo đó, chị Anh bày tỏ sự kì vọng vào các chính sách quản lí giá cả thị trường của các ngành chức năng để giá cả không “a dua” theo lương. “Tôi chỉ mong các ngành chức năng có các chính sách điều hành, quản lí, kiểm soát thị trường bình ổn để nếu lương có tăng thì thu nhập người lao động được bảo đảm, cải thiện cuộc sống”, chị Anh nói.

 

Theo Laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang