Thứ Năm, 03/10/2024 20:22:26 GMT+7
Lượt xem: 195

Tin đăng lúc 02-09-2024

Hà Nam 'mở cửa' thông thoáng hút dòng vốn đầu tư khu công nghiệp

Việc các nhà đầu tư liên tục tìm đến thực hiện các dự án mới đã cho thấy sức hút lớn của tỉnh Hà Nam trong môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Hà Nam 'mở cửa' thông thoáng hút dòng vốn đầu tư khu công nghiệp
Hà Nam là một trong những tỉnh thành thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao (trong ảnh là Khu công nghiệp Đồng Văn III)

Mở cửa đón nhà đầu tư

 

Hà Nam có diện tích 860,5km2, là tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước, nằm ngay tại cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông đồng bộ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, mối liên kết vùng hoàn chỉnh, Hà Nam đang từng bước thay đổi trở thành một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh trên cả nước, đang dần trở thành một trong những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm đến.

 

Mặc dù mới bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh Hà Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế nhờ công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư khu công nghiệp.

 

Tính từ đầu năm đến ngày 25/5, tỉnh Hà Nam đã thu hút 23 dự án đầu tư, bao gồm 8 dự án FDI và 15 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 55,8 triệu USD và 1.945,4 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 13 dự án (7 dự án FDI và 6 dự án trong nước) với tổng vốn tăng thêm 6,7 triệu USD và 763,3 tỷ đồng.

 

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.200 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 395 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6.010,5 triệu USD và 805 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 171.830 tỷ đồng.

 

Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận sự thành lập mới của 345 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng vốn đăng ký đạt 5.850 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2024 ước tính tăng 12,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 15,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tăng cao nhất với mức tăng 15,77%, và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,15%.

 

Theo UBND tỉnh Hà Nam, năm 2022, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nam đạt 46.065 tỷ đồng. Năm 2023, con số này đã đạt mốc 50.201,9 tỷ đồng, tăng 9,41% so với năm 2022, đưa Hà Nam vào Top 10 các tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc.

 

Việc số lượng các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến, nghiên cứu và thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phần nào khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt trên cả nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.

 

Quy hoạch thành Trung tâm Công nghiệp - Công nghệ cao

 

Có nhiều nguyên nhân giúp Hà Nam thu hút được các nhà đầu tư quan tâm. Trong đó phải kể đến công tác quy hoạch thuận lợi, chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư được đánh giá cao, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, và nguồn nhân lực dồi dào.

 

Theo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành Trung tâm Công nghiệp - Công nghệ cao của Đồng bằng sông Hồng.

 

Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam phát triển đô thị - công nghiệp - công nghệ cao - dịch vụ du lịch thương mại. Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Đồng thời, phát triển công nghệ cao, trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

 

Không chỉ thuận lợi trong quy hoạch, tỉnh Hà Nam còn chủ động đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng điểm, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư với việc tập trung cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tận dụng tốt các cơ hội, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.

 

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Hà Nam tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp đối với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Mỹ…Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực…Nhiều nhà đầu tư đã đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giao thông, vị trí địa lý, nguồn nhân lực.

 

Nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn

 

Để thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh Hà Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp. Theo bà Vũ Thị Minh Phượng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Hà Nam, đầu tư vào tỉnh Hà Nam doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về tiền thuê đất trong thời gian thuê lên tới 50 năm trong các khu công nghiệp của tỉnh.

 

Trong đó, giá thuê đất thô áp dụng mức giá cạnh tranh nhất so với các tỉnh xung quanh Thủ đô Hà Nội. Các khu công nghiệp có giá thuê đất dao động từ 80 USD – 120 USD/m2. Một số khu công nghiệp có mức giá thuê thấp như: Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng (công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp Plaschem Hà Nam – chủ đầu tư) có giá dao động từ 100 – 115USD/m2 đến ngày 22/3/2071; phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ xử lý nước thải dao động từ 13.000-14.000 VNĐ/m2. Khu công nghiệp Thái Hà (công ty CP đầu tư khu công nghiệp Thái Hà – Chủ đầu tư) có giá thuê 90USD/m2; phí sử dụng hạ tầng 11.600VNĐ/m2; phí dịch vụ xử lý nước thải chỉ là 11.000VNĐ/m2.

 

Tại các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ bằng tiền (sau đầu tư) một phần các chi phí làm hạ tầng trong hàng rào dự án, được đào tạo về nhân lực, phát triển thị trường theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ.

 

Ngoài ra, đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ…, nhà đầu tư sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

 

Trên bình diện nền kinh tế đang phục hồi, thị trường đất công nghiệp tại Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Theo nhận định của CBRE, trong 2 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng từ 5-9% mỗi năm ở miền Bắc và từ 3-7% mỗi năm ở miền Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực này và là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang