Thứ Ba, 17/09/2024 18:17:41 GMT+7
Lượt xem: 642

Tin đăng lúc 24-11-2023

Giá nguyên liệu tăng, sức mua yếu, doanh nghiệp tìm cách bình ổn giá

Nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, thịt lợn, thịt gà, sữa... đều tăng giá bán trong mấy tháng qua, dù thu nhập người dân đang giảm sút khiến các doanh nghiệp bình ổn phải tìm cách ổn định giá.
Giá nguyên liệu tăng, sức mua yếu, doanh nghiệp tìm cách bình ổn giá
Hiện tại các siêu thị đều giữ chính sách bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ người tiêu dùng và kích cầu sức mua.

Do đó, các hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng là rất cần thiết trong mùa mua sắm cuối năm này. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, thì việc tìm kiếm đầu ra của các doanh nghiệp nội địa là cả “bài toán” đầy trăn trở, từ việc làm sao để tăng sức mua, giảm giá bán, khuyến mại... nhằm giữ thị phần.

 

Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá

 

Chị Đặng Cẩm Hà, chủ đại lý các mặt hàng gạo.… tại đường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, thời gian qua Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ đã làm giá gạo xuất khẩu tăng, kéo theo giá gạo trong nước bị ảnh hưởng. “Từ đầu năm đến nay, mặt hàng gạo tăng 4-12 % tuỳ từng loại, bột mì đóng gói tăng 3-7%, mì ăn liền, phở ăn liền tăng đến 4%”, chị Hà nói.

 

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, nhân viên kế toán tại Hà Nội, cũng chia sẻ: "Các mặt hàng thiết yếu hiện nay hầu như đều tăng giá. Sữa tươi mà con tôi hay uống cứ vài tháng lại tăng giá, trong khi thu nhập của nhân viên như tôi thì giảm. Tôi phải cho con uống ít lại và đổi sang loại sữa khác rẻ tiền hơn". 

 

Trong khi đó, chị Trịnh Thu Hiền, làm nghề giáo viên, đi chợ mỗi ngày nên biết giá rất rõ, liệt kê: "Có những loại giá giảm như rau tươi, thịt; nhưng có những loại tăng giá như đường, ớt, gia vị đóng gói".

 

Kết quả nghiên cứu của Nielsen IQ vừa được công bố cũng tương đồng với các chuyển động gần đây trên thị trường. Cụ thể, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay. Mức tăng giá trung bình của nhóm hàng tiêu dùng nhanh nói chung trong 8 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022 là 4,4%. Các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm (+7,6%), bia (+7,3%) và sản phẩm từ sữa (+4,9%).

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 10 tháng, CPI tăng 3,2% và lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Ông Bùi Duy Khánh, Giám đốc kinh doanh khối thị trường vốn HSBC Việt Nam, đánh giá: "Gần đây, lạm phát nhích tăng trở lại do giá lương thực thực phẩm và giá dầu tăng. Mục tiêu lạm phát 4,5% năm nay sẽ được kiểm soát tốt nhưng vẫn là áp lực hiện hữu". Ngoài ra, ông cho rằng còn rất nhiều áp lực lên doanh nghiệp, đặc biệt là góc độ chi phí.

 

Phản ứng với tăng giá, nghiên cứu cho biết cách phổ biến nhất của người tiêu dùng là mua ít hơn, với 33% chọn giải pháp này. Một số phương án chính khác bao gồm: chọn thương hiệu rẻ hơn (21%); mua gói lớn hơn để tiết kiệm (16%) và mua các sản phẩm khuyến mãi (16%). Ngoài ra, còn có 10% chọn "dừng mua sắm".

 

Trao đổi với VnBusiness, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là giá đầu vào, điện và xăng dầu tăng. “Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua giảm sút, chúng tôi cố gắng kìm giữ giá một cách phù hợp nhất trong khả năng. Thực tế, bên ngoài thị trường có thể dao động ở các khu vực khác nhau hoặc do nhà bán lẻ tự điều chỉnh, còn tại hệ thống siêu thị chúng tôi vẫn giữ chính sách là giữ giá thấp nhất có thể để hỗ trợ người tiêu dùng và kích cầu sức mua", đại diện này cho hay.

 

Nỗ lực bình ổn giá

 

Để bình ổn thị trường, đặc biệt trong các dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ đều đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, giúp người tiêu dùng có thể mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể.

 

Theo khảo sát của VnBusiness, tại nhiều hệ thống siêu thị như Big C, WinMart, Aeon Mall… đang tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá từ 10 - 50% áp dụng cho hàng trăm mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu phục vụ bữa cơm gia đình, thực phẩm chế biến, nông sản… trong 2 tháng cuối năm.

 

Đại diện truyền thông Tập đoàn WinCommerce (quản lý chuỗi cửa hàng Winmart) cho biết, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và Tết, WinCommerce tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp để mua sản lượng lớn từ 2 - 3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với cùng kỳ năm ngoái. "Hiện chúng tôi định hướng triển khai chiến lược "giá tốt" xuyên suốt cả năm nhằm mang tới một giỏ hàng chất lượng với mức giá tiết kiệm hơn cho khách hàng, giảm giá 20% cố định với sản phẩm rau sạch, thịt mát…", vị này nói.

 

Mặc dù chi phí đầu vào tăng, nhưng hiện tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn vẫn thực hiện chính sách kìm giữ giá. “Hiện tại, chúng tôi đã ký các hợp đồng giữ giá, bình ổn giá dài hạn với nhiều nhà cung cấp nên không sợ thiếu hàng, đặc biệt là nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thiết yếu nên sẽ chủ động điều tiết giá. Trường hợp một số nhóm hàng bị áp lực tăng giá, Saigon Co.op sẽ có nhóm hàng tương đương với giá tốt hơn để người tiêu dùng có thêm lựa chọn", đại diện Saigon Co.op cho hay.

 

Trong dịp Tết, lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm luôn tăng cao, Công ty Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.

 

“Giá nguyên liệu tăng, nhưng đầu ra không thể tăng giá bán, bởi sức mua yếu, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, phải rà soát, giảm tất cả các khoản phí không cần thiết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan cho hay.

 

Bên cạnh nỗ lực bình ổn giá của các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng cuối năm công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, rà soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng hoá thiết yếu như: sách giáo khoa, khí hóa lỏng, đường, phân bón, dịch vụ công...

 

Trước bối cảnh giá gạo tăng cao, ông Bình cho biết nhiều quốc gia vẫn đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo bổ sung vào kho dự trữ nên giá gạo có xu hướng tăng nhẹ. Hiện nay, các bộ ngành vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang