Thứ Ba, 08/10/2024 01:46:07 GMT+7
Lượt xem: 8628

Tin đăng lúc 28-05-2016

Doanh nhân Huỳnh Văn Hòa – Một nhà khoa học tâm huyết

Tháng Tư, khi cả miền Trung “dậy sóng” về câu chuyện hải sản các tỉnh ven biển chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường mà chưa xác định được nguyên nhân, thì Thanh Hóa – một tỉnh nổi tiếng có khu du lịch Sầm Sơn cũng đang lặng lẽ theo dõi diễn biến của vụ việc, đồng thời quyết liệt triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2015 – 2020.
Doanh nhân Huỳnh Văn Hòa – Một nhà khoa học tâm huyết
Ông Huỳnh Văn Hòa - Tổng giám đốc Công ty H-T Giang San đón nhận Cúp Doanh nhân tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 04/5/2016, chúng tôi về thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), nơi mà Công ty HT - Giang San; Công ty AE Toàn Tích Thiện và Công ty Đức Cường tổ chức Lễ chính thức đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải giai đoạn 1, công suất 50 tấn ngày đêm. Đây là một trong dự án đầu tư xây dựng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là đối với thị xã Bỉm Sơn, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 656 tỷ đồng và cho cả ba giai đoạn là 1.860 tỷ đồng. Không phải ngẫu nhiên mà một dự án về môi trường lại thu hút được sư quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh, của nhiều cơ quan chức năng các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội và báo chí, bởi trong số 35 dự án xử lý rác thải đã được xây dựng trong cả nước thì đây là nhà máy đầu tiên có chức năng vừa thu gom, xử lý rác thải và sản xuất ra điện năng.

 

 

Cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

 

 

Dây chuyền, công nghệ hiện đại

 

Tôi còn nhớ lần gặp tác giả đề tài khoa học và hiện là chủ đầu tư dự án xử lý rác thải tại Bỉm Sơn - ông Huỳnh Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần H-T Giang San. Lần ấy ông ra Hà Nội để làm việc với các các Bộ Xây dựng, Tài Nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ và cả Bộ Công Thương, chỉ mong sao đề án nhận được sự ủng hộ của các cơ quan Nhà nước. Ngồi nghe ông tâm sự, mới thấy hết được nỗi lòng của một doanh nhân, một người đam mê cháy bỏng với đề tài nghiên cứu khoa học từ hơn 20 năm nay: Làm thế nào để chế tạo lắp đặt, sản xuất các thiết bị về công nghệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải rắn đô thị, hoặc công nghiệp, biến khí thải thành nguồn điện năng, đảm bảo môi trường, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân? Thế nhưng, để thực hiện thành công đề tài này, ông và gia đình đã phải vật lộn với biết bao gian khó, trắc trở. Ông bảo, mình có kiến thức, có lòng đam mê, nhiệt tình; thiết bị, công nghệ giờ không thiếu, nhưng cái thiếu nhất giờ là nguồn vốn. Muốn phát triển không chỉ cần hàng trăm tỷ, mà phải có hàng ngàn tỷ đồng mới mong đầu tư đồng bộ được. Tuy nhiên, có phải ai cũng nhiều tiền được như thế để thực hiện ước mơ, mặc dù vẫn biết, khi xã hội phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, vấn đề xử lý môi trường được quan tâm hàng đầu. Ông đã phải dành nhiều công sức, trí tuệ, khảo sát nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu ở các địa phương, rồi bỏ nhiều tiền của cho những chuyến đi tham quan tại các nước phát triển, để học hỏi kinh nghiệm, từ đó ngày đêm mày mò, nghiên cứu, chế tạo dây chuyền thiết bị, công nghệ phù hợp với điều kiện nước ta. Chế tạo một dây chuyền cũng đã ngốn hàng chục tỷ, ông và gia đình phải vay, đến mức phải thế chấp cả gia sản, nhà cửa, đất cát chỉ mong sao, hệ thống thiết bị công nghệ do chính ông chế tạo được khách hàng chấp nhận.

 

Trong câu chuyện với Tổng giám đốc Huỳnh Văn Hòa, tôi thấy ông nặng trĩu lo âu, trăn trở, bởi nói đến hệ thống xử lý rác thải thì trong nước hiện đã có một số nhà đầu tư sản xuất, chưa kể tới việc nếu cần vẫn có thể nhập công nghệ của nước ngoài, nên nhiều địa phương còn hết sức đắn đo. Chính vì vậy, ông phải chạy ngược, chạy xuôi, thuyết phục các cơ quan Nhà nước thẩm định, ủng hộ ông chế tạo và ứng dụng trong thực tế. Cả khi hoàn thành, đưa vào chạy thử an toàn, một số tỉnh, thành phố cũng chưa thực sự tin tưởng, ông đã tính tới cả việc phải chấp nhận vay vốn đầu tư ban đầu, dành cơ chế ưu đãi cho các địa phương, cho những huyện đảo… để thí điểm thu gom, xử lý rác thải, sản xuất điện, thậm chí thời gian đầu phục vụ không công cho bà con. Là nhà khoa học, ông tự tin với sản phẩm thiết bị, công nghệ do mình chế tạo, bởi nó có nhiều tính năng ưu việt mà cả trong nước và thế giới chưa đạt tới, đó là: Dây chuyền công nghệ của H-T Giang San không có ống khói và khí thải mùi hôi phát tán thứ cấp; Sản xuất khí gas phun tổng hợp ổn định lưu giữ và nén được để chạy động cơ đốt trong phát điện; Có sản phẩm phụ là than rác sạch sau khi xử lý nhiệt; Xử lý chất thải rắn với độ ổn định nhiên liệu đầu vào cao (trên 70%)… Thông qua thực tế sản phẩm và hiệu quả thu được từ một số dự án đã triển khai, cùng với tấm lòng của một doanh nhân thiết tha với công tác tác bảo vệ môi trường đã thuyết phục được nhiều cấp chính quyền các tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hóa.

 

Trở lại câu chuyện dự án Xử lý môi trường mới được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 tại thị xã Bỉm Sơn, với sự có mặt của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương. Không phải Thanh Hóa giờ mới tính đến vấn đề thu gom xử lý rác thải, mà tỉnh đã đưa vào hoạt động nhiều dự án xử lý rác thải ở các huyện và thành phố. Riêng thị xã Bỉm Sơn, tỉnh đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng (từ kinh phí Trung ương) để hình thành bãi xử lý rác thải Núi Voi bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thấy dự án công nghệ xử lý rác thải theo phương pháp nhiệt khí hóa tồn tính, tận dụng khí gas để phát điện sạch, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, vệ sinh môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương chuyển hướng, dừng thực hiện dự án chôn lấp rác thải, tập trung dành nguồn kinh phí đầu tư cho dự án xử lý chất thải do Công ty H-T Giang San đầu tư. Sau một thời gian dài chuẩn bị, từ tháng 1/2016, Nhà máy đã tập trung lắp đặt thiết bị công nghệ và đến tháng 3/2016, Nhà máy đã chính thức đưa vào vận hành đốt những mẻ rác đầu tiên, xử lý triệt để khối lượng rác thải hiện có trên toàn địa bàn thị xã Bỉm Sơn.

 

 Hiện nay, mặc dù đã khánh thành cơ bản và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý rác thải, sản xuất điện, nhưng theo chúng tôi quan sát, hiện dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên nhiều hạng mục còn rất dở dang. Trong đó bể chứa phân loại rác tuy đã hoàn thành song chưa có hệ thống kính chắn, mái che để ngăn bụi và khắc phục tình trạng bốc mùi ra môi trường; Dây chuyền vận chuyển rác thải vào lò đốt còn hở, bụi vẫn phát tán; Một số công đoạn đốt rác chưa được đầu tư đồng bộ để đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường và an toàn cho người lao động, trong đó cần sớm hoàn thiện 4 mô đun đốt rác…

 

 

Chân dung Nhà khoa học - Doanh nhân Huỳnh Văn Hòa

 

 

Dây chuyền xử lý rác thải

 

Được biết, tại cuộc họp cùng lãnh đạo tỉnh và đại diện các cơ quan Trung ương, các sở, ngành trong tỉnh, Tổng giám đốc HT - Giang San Huỳnh Văn Hòa đã kiến nghị với tỉnh sớm hỗ trợ nguồn vốn để Công ty tập trung đầu tư, hoàn thiện các công đoạn và cam kết sau 05 tháng sẽ hoàn thành toàn bộ dự án với chất lượng cao. Lắng nghe ý kiến phát biểu và kiến nghị của chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoan nghênh các doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án và khẳng định tính hiệu quả của công nghệ xử lý rác thải do Công ty H-T Giang San chế tạo, góp phần thiết thực trong việc xử lý dứt điểm tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt tại Bỉm Sơn và vùng phụ cận. Tuy nhiên, cần sớm khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết kể trên, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều chỉnh công nghệ xử lý rác, trình các Bộ ngành Trung ương; Phối hợp với chính quyền thị xã Bỉm Sơn và chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục về vốn, xác định giá thành xử lý cho mỗi tấn rác thải, mỗi kWh điện…, các công ty cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng để đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày, nhằm thay thế việc chôn lấp rác thải tại bãi rác Núi Voi.

 

Miệt mài nghiên cứu cho đề tài khoa học công nghệ, dám chịu đựng hy sinh thiệt thòi và chấp nhận rủi ro, gian khó để dự án xử lý rác thải được thực hiện thành công, Tổng giám đốc Huỳnh Văn Hòa đang nắm trong tay nhiều hợp đồng dự kiến cung cấp dây chuyền xử lý rác thải bằng phương pháp nhiệt khí hóa tồn tính, tận dụng khí gas để phát điện sạch, đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, giữ gìn môi trường cho các địa phương. “Trồng cây đến ngày hái quả”, hiện một số nước như Australia, Campuchia, Philippines, (Chu Hải, Trung Quốc) và cả California (Mỹ) đã có liên hệ, triển khai ký hợp đồng chế tạo, lắp đặt công nghệ với H-T Giang San...

 

Chúc mừng Công ty H-T Giang San, chúc mừng ông Huỳnh Văn Hòa – một nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, một doanh nhân biết lo cho xã hội, vì cộng đồng. Mong sao trên địa bàn cả nước, sẽ có ngày càng nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải, phát điện, đáp ứng tốt yêu cầu gìn giữ vệ sinh môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

                                                                                                                                                                                                                                                 Nguyễn Đừng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang