Thứ Hai, 07/10/2024 23:47:55 GMT+7
Lượt xem: 2139

Tin đăng lúc 11-10-2019

Doanh nhân - động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế

Đây là khẳng định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc – tại buổi tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”. Sự kiện do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 10/10, nhân dịp tròn 15 năm Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Doanh nhân - động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm

Những thăng trầm và khát vọng vươn lên

 

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh trầy trật, khó khăn như Việt Nam. Thậm chí, thời kỳ đầu họ còn bị coi là con buôn. Nhưng gạt qua mọi định kiến, giới doanh nhân Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế, trong các thời kỳ nền kinh tế khủng hoảng nhất như: những năm 1997- 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, rất nhiều doanh nhân đều đã tự động điều chỉnh, vượt khó để khẳng định vai trò của mình là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. “Và hiện nay, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn” – ông Nguyễn Trần Nam khẳng định.

 

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Trần Nam, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cũng cho hay: Chúng ta đã trải qua 32 năm đổi mới và cải cách. Va đập có, thành công có, sai lầm có, thất bại có. Song, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Nhiều DN Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới. Đã có những DN lập các viện nghiên cứu về AI, Big Data… Kết quả như thế nào thì còn phải chờ, nhưng đó là những chuyển biến đáng kể.

 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định, lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào, dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên, làm nên sự nghiệp lớn. Tinh thần kinh doanh vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ trong lớp lớp doanh nhân Việt Nam, từ một "tư thương" đầy định kiến dăm bảy thập kỷ trước, hay những "tỷ phú Forbes" bây giờ. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.

 

Để trở thành chỗ dựa vững chắc

 

Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định; khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, DN cũng đang hình thành. Nhờ thế, sự phát triển của giới doanh nhân cũng vươn lên. Theo số liệu của VCCI, Việt Nam hiện có hơn 700.000 DN, có 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những DN vừa và nhỏ trong nước.

 

Tuy nhiên, để doanh nhân thực sự là lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng kinh tế, công nghiệp và là “bà đỡ” của sáng tạo, phát triển, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta cần phải có thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo. Luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Phát triển bền vững và chuyển đổi số sẽ là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển. Trong đó, phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nhân Việt Nam phát triển. Thế hệ doanh nhân dũng cảm nhân văn nhưng rất sáng tạo. Các doanh nhân đang hoạt động cũng cần phải đổi mới sáng tạo, bắt đầu khởi nghiệp cho một trào lưu mới.

 

TS. Võ Trí Thành cho rằng, DN lớn mạnh phải có được 4 yếu tố, đó là: sáng tạo; chi phối được mạng phân phối; thương hiệu toàn cầu và sức lan tỏa lớn. Song để đạt được 4 yếu tố trên thì DN phải cần có một quá trình dài và phức tạp. Đó là, phải có một cái tích hay; phải có sáng tạo và nguồn nhân lực. Thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ ở cửa đến lãnh đạo DN. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở mỗi doanh nhân vẫn là tính chân thành.

 

Dưới góc độ văn hóa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đặt câu hỏi: Những câu chuyện về doanh nhân Việt Nam lâu nay đã được bàn rất nhiều. Đã có nhiều ý kiến và đặt câu hỏi tại sao từng có giai đoạn chúng ta nhìn nhận DN làm kinh doanh là con buôn? Nhưng thời gian trở lại đây thì khác, góc nhìn với DN, doanh nhân đã thay đổi tích cực, hình ảnh thương hiệu DN, doanh nhân cũng đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều. “Tôi cho rằng, thương hiệu của DN có thể nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh. Do đó, giữ được thương hiệu rất quan trọng. Đó là sự thành thật của DN, doanh nhân, là chất lượng của sản phẩm dịch vụ” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang