Thứ Sáu, 13/09/2024 04:07:23 GMT+7
Lượt xem: 4506

Tin đăng lúc 17-09-2019

Doanh nghiệp bán lẻ Việt cần tìm lối đi phù hợp để cạnh tranh trong “sân chơi” CPTPP

Với mức tăng trưởng năm khoảng 12%, ngành bán lẻ Việt Nam hiện được đánh giá là hấp dẫn nhất thế giới với vị trí thứ 6 về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu và khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành bán lẻ Việt Nam sẽ còn được hưởng lợi khá nhiều từ Hiệp định này. Tuy nhiên, CPTPP cũng sẽ mở ra một chương mới cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong “sân chơi” này.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt cần tìm lối đi phù hợp để cạnh tranh trong “sân chơi” CPTPP
Cuối năm 2018, siêu thị FujiMart (liên doanh giữa Tập đoàn BRG – VN và Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản) đã chính thức gia nhập thị trường bán lẻ VN.

Tác động của CPTPP đến ngành bán lẻ Việt Nam

         

Trước khi CPTPP có hiệu lực, theo quy định, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn mở thêm điểm bán lẻ thứ 2 trở đi phải xin phép cơ quan quản lý và phải trải qua tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) như: Quy mô của khu vực thị trường; số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động tại khu vực; tác động của cơ sở bán lẻ với sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực; ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy; khả năng đóng góp của cơ sở đối với sự phát triển KT – XH của khu vực. Nếu mở cơ sở bán lẻ mới có diện tích dưới 500 m2 trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thì không bị buộc phải xin phép. Đây được xem là một rào cản kỹ thuật để kiểm soát việc các tập đoàn bán lẻ ngoại mở thêm nhiều điểm bán lẻ và gây sức ép lên các hệ thống bán lẻ hiện hữu.

 

Tuy nhiên, theo cam kết trong CPTPP, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bỏ quy định về ENT đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ các nước CPTPP. Nghĩa là sau 5 năm nữa, một DN bán lẻ thuộc các quốc gia CPTPP có thể thoải mái mở siêu thị, đại siêu thị tại bất cứ đâu, miễn là họ có mặt bằng. Mặc dù rào cản ENT sau 5 năm nữa mới bị dỡ bỏ, nhưng ngay từ lúc này, nhiều DN ngoại đã lách qua bằng cách mua bán - sáp nhập (M&A) để tận dụng những mặt bằng sẵn có của các hệ thống siêu thị nội. Kết quả là, theo một số chuyên gia, thị phần bán lẻ trong tay các DN ngoại hiện đã lên tới 50%. Điển hình có thể kể đến một loạt các tên tuổi như: Chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và họ dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một hãng bán lẻ đình đám khác của Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã đổ bộ vào Việt Nam hồi tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Lotte Mart cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020 và trong 10 năm tới là 2.500 cửa hàng… Theo thống kê, trong vòng hơn một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, các cửa hàng này chủ yếu do những công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu. Mới đây, thị trường bán lẻ lại đón nhận thêm những “tân binh” nhiều tiềm năng khác như siêu thị Q Mart (thuộc Tập đoàn T&T); siêu thị FujiMart (liên doanh giữa Tập đoàn BRG của Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản)…

 

Có thể thấy, với thị trường giầu tiềm năng và sôi động như hiện nay, dự báo năm 2019 – 2020, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà bán lẻ đến từ các nước CPTPP, rót vốn vào thông qua đầu tư trực tiếp hoặc hoạt động M&A. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tên tuổi ngoại, đã, đang và sẽ tạo sức ép cạnh canh ngày càng lớn đối với các kênh phân phối nội cả về chất lượng lẫn cách thức quản lý.

 

 

Trước sự “đổ bộ” của các DN bán lẻ ngoại, Hapro – một trong những nhà bán lẻ hàng đầu VN, cũng phải tìm ra nhiều biện pháp có sự khác biệt so với DN ngoại để tiếp tục phát triển.

 

DN bán lẻ Việt phải làm gì để cạnh tranh trong “sân chơi” CPTPP? 

 

Trong sân chơi này, các DN bán lẻ Việt với tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng cạnh tranh về giá kém… lại phải “đấu” với các DN bán lẻ ngoại có tiềm lực, thế mạnh về nhiều mặt, cộng với việc họ được nhiều ưu ái hơn khi đến Việt Nam đầu tư, thì có thể dễ dàng thấy rằng, đây là cuộc đua không cân sức.

         

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thì CPTPP sẽ mở ra một chương mới cho sự cạnh tranh, DN nào đã mạnh thì sẽ mạnh hơn. Vì vậy, để cạnh tranh được với các DN ngoại, mỗi DN bán lẻ Việt Nam phải tìm ra được lối đi riêng phù hợp với năng lực của mình, phát triển những thị trường ngách để cùng tồn tại. Đặc biệt, các DN trong nước cần tăng cường liên kết bằng cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp hàng hóa, cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu, nhất là nông sản và các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, để duy trì, đảm bảo nguồn cung liên tục cho hệ thống của mình, đồng thời, chú trọng nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường, dịch vụ… qua đó sẽ tạo được sức hút, nâng cao được năng lực cạnh tranh của DN.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cần tạo ra một “sân chơi” thật bình đẳng cho các DN bán lẻ cả trong và ngoài nước.

         

Có thể thấy, việc tăng cường liên kết, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, chất lượng hàng hóa dịch vụ chính là những yêu cầu mà “sân chơi” CPTPP đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước. Với những yêu cầu này, các DN Việt hoàn toàn có thể đáp ứng được. Nhưng điều quan trọng là các DN phải đánh giá đúng được năng lực, đặc thù kinh doanh của mình, cũng như thế mạnh của mỗi DN ngoại để xác định thị trường với những mục tiêu phù hợp thì mới có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ mới.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang