Thứ Ba, 08/10/2024 01:36:14 GMT+7
Lượt xem: 4944

Tin đăng lúc 12-06-2015

Điện hạt nhân: Rõ lợi thế so sánh

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiện, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tương lai, các nguồn năng lượng mới lại chưa chứng minh được tính hiệu quả thực sự thì năng lượng hạt nhân vẫn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia. Điều này góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, sự phát triển bền vững cũng như giải quyết tích cực vấn đề môi trường trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
Điện hạt nhân: Rõ lợi thế so sánh
Một nhà máy điện hạt nhân tại Canada

Nhiều ưu điểm, ưu thế vượt trội

Theo TS Võ Văn Thuận (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân): Những nguồn phát điện có công suất đủ lớn để đóng vai trò động lực cho nền kinh tế hiện nay bao gồm than, dầu, khí, thủy năng và hạt nhân. Các dạng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt… đến nay chưa có nguồn nào phát được công suất đủ lớn và ổn định nhằm đáp ứng cho một nền công nghiệp quy mô cấp quốc gia trung bình trở lên. Trong đó, điện gió và điện mặt trời là những nguồn điện đáng chú ý nhất, nhưng có hai điểm yếu khiến chúng khó cạnh tranh được với những nguồn chính, phổ biến hiện nay, ít nhất trong vài ba chục năm sắp tới. Các điểm yếu đó, ngoài quy mô công suất là giá thành thì suất đầu tư rất đắt dẫn đến sự e ngại của nhà đầu tư. Chính vì vậy, dù ưu tiên quan tâm ứng dụng năng lượng tái tạo đến đâu thì cũng chỉ nên giới hạn ở mục tiêu góp phần cân đối vừa phải, hợp lý trong tổng sơ đồ nguồn phát điện. 

 

Trở lại với nguồn điện truyền thống có thể thấy trên thế giới phần lớn các nguồn điện này cũng không phải là vô tận. Thủy điện đã được khai thác rất triệt để; các nguồn hóa thạch là than, dầu, khí có nguy cơ cạn kiệt. Như vậy việc tìm kiếm các dạng tiềm năng khác đủ lớn để bổ sung hoặc thay thế cho những nguồn truyền thống này là hết sức cấp bách. Gần đây, Mỹ đã làm chủ công nghệ khai thác dầu đá phiến, khí đá phiến tạo hy vọng có thể bổ sung nguồn phát nhiệt điện, điện khí, nhưng chưa biết chắc trữ lượng kinh tế kéo dài được bao năm. Tình hình Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi cả thủy điện và điện khí đều đang đi tới giới hạn khai thác ngay trong thập niên này. Rõ ràng, trong bối cảnh ấy, năng lượng hạt nhân đã chứng tỏ được sự ưu việt của mình.

Đặc biệt, mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường sống gây nên bởi phát thải CO2 là thực tế không thể phủ nhận. Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân (ĐHN) như một dạng năng lượng thân thiện sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong thực thi Nghị định thư Kyoto vì đó là nguồn phát thải CO2 thấp, tương đương điện gió, điện mặt trời (2-6g/kWh), ít hơn nhiên liệu hóa thạch đến 40-50 lần. Chính các nhân tố trên đây đã góp phần thúc đẩy nhiều quốc gia ưu tiên phát triển ĐHN.

Bên cạnh những điểm ưu việt trên, ĐHN cũng có một số trở ngại. Đó là thời gian xây dựng kéo dài, thường mất khoảng 5-10 năm, thậm chí lâu hơn tùy điều kiện mỗi nước. Ngoài ra, chi phí xây dựng cho nhà máy ĐHN so với nhà máy nhiệt điện tương đối cao. Tuy nhiên, điều mà không ai có thể phủ nhận được rằng, ở nhà máy ĐHN có những ưu điểm sau: Thứ nhất, thay đổi về công suất ứng với phụ tải khá đơn giản về mặt kỹ thuật do tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành thấp, nên có lợi về kinh tế trong vận hành phụ tải. Thứ hai, tuổi thọ của nhà máy ĐHN tới 50 năm. Nếu vận hành trong thời gian dài và sớm kết thúc thời gian hoàn vốn thiết bị thì chi phí phát điện sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vận hành nhà máy ĐHN cần phải đặc biệt chú ý đến mức độ an toàn để tránh không để xảy ra những sự cố đáng tiếc tác động đến môi trường sống của cộng đồng.

Có thể khai thác hơn 200 năm nữa

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Lê Văn Hồng cho biết, dù công nghệ ĐHN đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn là lựa chọn quan trọng của thế kỷ XXI. Phát triển ĐHN sẽ mang lại nguồn năng lượng điện ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, làm chậm quá trình nóng lên của khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, còn thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ; các ngành công nghiệp liên quan như vật liệu, cơ khí, điều khiển học, xây dựng... phát triển.

Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra rằng, nguồn tài nguyên dầu, khí, than không chỉ phục vụ cho phát điện mà còn cho nhiều ngành khác như: Hóa dầu, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp... nhưng với tốc độ khai thác như vừa qua thì thời gian chỉ còn rất ngắn (dầu 40 năm, khí 65 năm, than 155 năm). Trong khi đó, nguồn nguyên liệu uranium dùng cho ĐHN có thể sử dụng tối thiểu trong vòng 220 năm nữa. Bên cạnh sự khan hiếm, đắt đỏ của nhiên liệu hóa thạch và những hạn chế mang tính pháp lý về phát thải khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch, thì sự cải tiến thiết kế của các lò phản ứng hạt nhân, sự xuất hiện các thế hệ lò mới cùng với sự giảm giá thành thiết bị đã làm cho ĐHN thêm lợi thế cạnh tranh…

Việt Nam, cũng như các nước Châu Á khác, là những quốc gia đang công nghiệp hóa rất cần bảo đảm an ninh năng lượng. Đáng lưu ý, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5-7%/năm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam trở nên rất cấp thiết. Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến năm 2020 cả nước thiếu từ 36 đến 65 tỷ kWh điện. Ngay cả khi khai thác hết các nguồn năng lượng tự nhiên không tái tạo như than đá, khí đốt, dầu mỏ, đồng thời đẩy mạnh mua điện của nước ngoài cũng không thể cung cấp đầy đủ và lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước. Biện pháp ưu việt duy nhất để cải thiện tình hình căng thẳng về năng lượng lúc này là phải phát triển ĐHN.

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang