Thứ Ba, 08/10/2024 01:25:02 GMT+7
Lượt xem: 3543

Tin đăng lúc 24-02-2016

Cước vận tải: Chủ tịch thấy nhục, nhà xe giảm nhỏ giọt

Cuộc họp cách đây 2 ngày của Bộ GTVT về giảm giá cước vận tải ô tô trở nên ‘nóng’ khi Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh thốt lên: “Bị nói chây ì giảm giá cước, tôi thấy nhục lắm!”
Cước vận tải: Chủ tịch thấy nhục, nhà xe giảm nhỏ giọt
Nhiều DN vận tải chây ì không giảm giá cước khi giá xăng dầu liên tiếp giảm.

Vậy nhưng một số doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội vẫn viện đủ lý do để tiếp tục chây ì, không giảm giá cước. Còn ở TP HCM, doanh nghiệp 'giảm cho có' vì mức giảm rất 'yếu ớt', trong khi xăng đã giảm 4 lần từ đầu 2016 tới nay.

 

Hà Nội: Tiếp tục chây ì

 

Đối với các bến xe liên tỉnh, theo ghi nhận của phóng viên đến thời điểm này vẫn còn nhiều tuyến chưa giảm giá cước theo giá xăng dầu.

 

Thường xuyên đi xe khách Tiến Phương và Đông Lý từ Nông Cống (Thanh Hóa) ra Hà Nội, ông Lê Văn Thọ cho biết hơn một năm nay dù giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá vé lại tăng.

 

“Gần một năm trước tôi đi xe ra Hà Nội chỉ 80.000 đồng/vé, nhưng hôm 13/2 vừa rồi đi từ Hà Nội về Thanh Hóa (qua nhà xe Đông Lý), tôi phải trả 100.000 đồng/vé/người. Đến hôm 18/2 từ quê trở lại Hà Nội trên xe giường nằm nhà xe Tiến Phương, tôi còn phải trả mức giá cao hơn là 120.000 đồng/người”, ông Thọ nói.

 

Được biết, từ tháng 8/2015 đến nay 2 nhà xe Tiến Phương và Đông Lý vẫn chưa đăng ký giảm giá cước. Việc 2 nhà xe thu với mức giá từ 100-120.000 đồng/vé/người là quá cao so với giá xăng dầu liên tiếp giảm thời gian qua.

 

Không chỉ xe khách tuyến cố định, các hãng taxi tại Hà Nội cũng chưa giảm giá cước theo giá xăng dầu.

Nguyên nhân được ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lý giải là do “vướng” trong khâu làm thủ tục kê khai tăng giảm giá cước.

 

“Đa số các DN taxi tại Hà Nội đã đăng ký giảm cước từ 300-500 đồng/km, tuy nhiên do khâu làm hồ sơ kê khai lên sở Tài chính mất nhiều thời gian, ít nhất phải mất 5 ngày mới được đóng dấu, nên đến thời điểm này các DN vẫn chưa được chấp thuận giảm cước”, ông Bình nói.

 

 

Dứt khoát phải giảm

 

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, xảy ra tình trạng DN vận tải chậm giảm giá cước là do quản lý giá chưa tốt. Mỗi lần nhiên liệu giảm các cơ quan mới chỉ kiểm tra đốc thúc mà chưa quán triệt giảm theo thị trường.

 

Thứ trưởng Thọ nõi rõ: Xăng dầu chiếm 30-35% chi phí vận tải nên khi xăng dầu giảm dứt khoát giá cước phải giảm theo.

 

 

TP HCM: Giảm nhỏ giọt

 

Đại diện công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết: Trong đợt giá xăng giảm hồi tháng 1, hãng cũng đã điều chỉnh giảm giá cước taxi từ 300-500 đồng/km.

 

Với đợt giảm mới nhất ngày 18/2 của giá xăng (1.000 đồng/lít), Mai Linh đã kê khai mức giảm 500 đồng/km với xe 4 chỗ và 600 đồng/km với xe 7 chỗ. Thời điểm áp dụng bắt đầu từ 26/2.

 

 

 

Từ 26/2 hãng taxi Mai Linh sẽ giảm 500-600 đồng/km. Ảnh: Tuổi Trẻ 

 

Đối với giá cước cho các vùng - miền ngoài TP.HCM, hãng Mai Linh sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giá.

 

Là đơn vị sở hữu khoảng 6.000 đầu xe, đại diện Vinasun cho hay doanh nghiệp cân nhắc giảm 500 đồng/km với tất cả các dòng xe từ 26/2.

 

Với vận tải hàng hóa và hành khách, do các loại xe này chủ yếu sử dụng dầu diesel (không giảm giá) nên cước vận tải không biến động.

 

Bến xe miền Đông cho biết, ngay sau khi giá dầu giảm ở chu kì trước, hầu hết các đơn vị vận tải hành khách đã điều chỉnh giá vé 2-3%. Còn đợt giảm giá ngày 18/2 chỉ có giá xăng giảm nên không tác động nhiều tới đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định.

 

Đại diện bến xe Miền Tây xác nhận, bến xe có 130 doanh nghiệp vận tải, nhưng trong đó chỉ có 25 doanh nghiệp ở TP HCM và trước đó cũng đã giảm giá vé quanh mức 1-3%. Riêng các doanh nghiệp vận tải do các địa phương quản lý thì việc điều chỉnh được địa phương đó xem xét.

 

Giảm ít vì còn nhiều loại phí?

 

Theo khảo sát của PV VietNamNet tại TP HCM, trong bối cảnh xăng dầu giảm giá mạnh và các doanh nghiệp vận tải thực hiện mức giá cước mới, nhiều khách hàng cho rằng giá cước taxi, vận tải hành khách và hàng hóa giảm như vậy là chưa tương xứng.

 

 

Xăng giảm giá 1.000 đồng/lít nên mức giảm 'yếu ớt' của các doanh nghiệp vận tải được cho là chưa tương xứng.

 

“Tôi thấy từ đầu năm đến nay xăng dầu đã giảm mấy lần cộng với những lần giảm sâu trong năm 2015. Mức giảm giá cước lần này doanh nghiệp đưa ra là rất ít và chưa tương xứng” - anh Trần Minh Lập (quận 12) nói.

 

Anh Trần Minh Tân (ngụ Tân Bình) nêu thực trạng: Xăng dầu giảm giá nhưng các doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá. Đến khi người tiêu dùng phàn nàn, cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh mức giá thì các mới chịu giảm.

 

“Tôi nghĩ việc điều chỉnh giá cước phải chỉ đạo dứt điểm chứ nói hoài điệp khúc đó nghe nhức đầu lắm” - anh Tân bức xúc.

 

Trong khi đó, một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại TPHCM phân trần: Thời gian qua giá xăng dầu giảm nhiều nhưng giá cước vận tải giảm nhẹ là có nhiều lý do như các loại phí cầu đường cùng các dịch vụ đi kèm không giảm.

 

“Nếu buộc các doanh nghiệp giảm giá cước nhưng các loại phí khác không giảm theo như vậy cũng rất khó cho chúng tôi” - đại diện doanh nghiệp này than phiền.

 

 

Xăng liên tục giảm: 16 lần giảm gần 7.000 đồng/lít

 

Lần giảm giá xăng gần đây nhất là ngày 18/2 với mức giảm mạnh: 960 đồng/lít.

 

Giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm lần thứ 4 liên tiếp từ đầu năm 2016. Tính nửa cuối năm 2015 đến nay, giá xăng liên tục giảm 16 lần, tổng cộng đã giảm gần 7.000 đồng một lít.

 

Vậy nhưng giá cước vận tải không 'nhúc nhích' theo kịp giá xăng!

 

 

 

Nguồn: Vietnamnet.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang