Thứ Hai, 07/10/2024 14:49:26 GMT+7
Lượt xem: 2367

Tin đăng lúc 20-09-2023

Công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí tụt hậu mãi đến bao giờ?

Theo Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 về Mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, thì ngành Cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng và đến năm 2035, đạt 45% tổng sản lượng ngành Cơ khí.
Công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí tụt hậu mãi đến bao giờ?
Cơ khí là một trong những lĩnh vực then chốt của ngành công nghiệp

Vài nét về bức tranh CNHT ngành Cơ khí VN

 

Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ngành Cơ khí nước ta có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Linh kiện cơ khí; dây cáp điện; khuôn mẫu các loại; linh kiện nhựa; cao su kỹ thuật... Tại Việt Nam hiện có trên 500 DN sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7.000 DN cơ khí của cả nước với thị trường chủ yếu của các DN cơ khí là các lĩnh vực sản xuất xe máy, máy móc công - nông nghiệp, ô tô... Linh kiện cơ khí chế tạo trong nước hiện đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong đó, phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực cơ khí ô tô như: Vinfast, Thành Công; Thaco; Vinfast, hay lĩnh vực gia công cơ khí chế tạo có một số DN như: Toyota, Nikon...

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại một số ngành công nghiệp có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… thì thấy rằng, ở Việt Nam hầu như chưa có CNHT, mà phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn nhỏ lẻ, bị động, chi phí giá thành sản phẩm cao. Các DN trong nước chưa đáp ứng được chất lượng sản phẩm cho các đơn hàng xuất khẩu, nhất là sản phẩm CNHT, hiện chủ yếu phụ thuộc vào các DN FDI. Điều đó đã khiến cho giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thấp, năng lực cạnh tranh của các DN ngành công nghiệp bị hạn chế…

 

Để CNHT ngành Cơ khí không bị tụt hậu?

 

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến ngành CNHT của Việt Nam chưa phát triển, đó là do chúng ta chưa có những cơ chế chính sách khuyến khích. Cụ thể, chúng ta đầu từ rất nhiều tiền của để xây dựng các nhà máy điện, nhưng tổng thầu EPC lại thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Đặc biệt, các DN nước ngoài khi trúng thầu thường mang toàn bộ vật tư, thiết bị, lao động sang làm việc nên cơ hội được tham gia vào các khâu trong dự án của DN Việt Nam hầu như không có, mặc dù số đơn vị có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC tham gia vào các dự án lớn, song vẫn khó có thể tham gia được vào khâu thiết kế, chế tạo. Điểm yếu của ngành CNHT cơ khí nước ta là do thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Ngay cả khâu tạo phôi – một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, không đúc được cản sản phẩm có mác thép chất lượng và độ bền cao. Do vậy, ngành CNHT của Việt Nam tụt hậu 2-3 thế hệ so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, xét về trình độ công nghệ, trên 30% DN Việt Nam hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% DN có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

 

 

Xưởng thực hành gia công chính xác CNC ngành Cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp Tp. Hô Chí Minh

 

Để minh chứng cho viện dẫn trên, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, qua khảo sát của các cơ quan chức năng, phần lớn DN CNHT chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Hiện chỉ có khoảng 20% DN có áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000; còn 9% DN có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường) và 20% DN thực hiện 5S trong sản xuất. Thế nên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải - THACO cho rằng, cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, bởi xây dựng nền công nghiệp tự chủ là khát vọng của đất nước ta từ nhiều năm trước đây. Tính tự chủ của một ngành công nghiệp chính là việc phát triển CNHT, công nghiệp cơ khí. Khi chúng ta làm tốt cơ khí, sẽ giải quyết rất nhiều nhu cầu phát sinh trong nội địa mà hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu rất nhiều.

 

Theo ông Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, một trong những yếu tố quyết định thành công chính là các DN phải tự vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Đầu tư công nghệ mới, thay đổi triệt để tư duy quản lý cũ, áp dụng các hệ thống và phương thức quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực là những hướng đi cụ thể quyết định thành công của DN. Phát triển cơ khí nói chung và CNHT nói riêng cần được xác định là chiến lược quốc gia chứ không phải việc đơn lẻ của các DN. Nếu không được xác định như vậy, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn không thể cất cánh. Chỉ khi trở thành chiến lược quốc gia, các quyết sách của Nhà nước mới đủ sức mạnh để vực dậy ngành Cơ khí đang rất khó khăn như hiện nay.

 

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm trình Quốc hội để ban hành trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn chính sách thí điểm về CNHT sớm ra đời và có thể hỗ trợ ngay cho các DN CNHT của Việt Nam về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu, cũng như kết nối đầu ra giữa các DN CNHT của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. Còn bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cũng chia sẻ, DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước ưu thế hơn khi xuất khẩu, đồng thời thu hút được đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc thù vì nếu DN đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0 mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các nước.

 

 

Cơ Khí Việt Nam cần cải tiến mạnh

 

Ông Hang Ha Ryu, Tổng giám đốc Công ty Doosan Vina – Một trong những DN sản xuất cơ khí nêu kiến nghị: Tại Luật Đấu thầu của Việt Nam có một quy định yêu cầu bắt buộc DN tham gia đấu thầu trong nước phải có lãi từ 2 năm trở lên và phải có ít nhất 2 công ty trong nước làm được thì mới mở thầu trong nước. Tuy nhiên, Doosan đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào ngành công nghiệp nặng và mới đi vào sản xuất kinh doanh có hơn 3 năm thì chưa thể có lãi ngay được. Như vậy vô hình chung theo quy định này thì Doosan bị loại ra ngay từ đầu. Không được tham gia đấu thầu thì không có hàng để làm dẫn tới không có lợi nhuận… Vòng luẩn quẩn như vậy thực tế đang “giết” rất nhiều các DN cơ khí của Việt Nam. Doosan mạnh dạn kiến nghị Chính phủ cần có chính sách rõ ràng hơn trong cơ chế hỗ trợ và bao tiêu cho sản phẩm cơ khí trong nước ngay tại các dự án có sử dụng vốn nhà nước.

 

Chia sẻ với DN, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm: Ngành công nghiệp cơ khí nếu cứ “ngồi chờ” phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ thất bại, mà phải xem lại toàn bộ cơ chế chính sách, còn vấn đề nào chưa phù hợp, hay gặp khó khăn phải có kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ, Bộ Công Thương… để có chính sách, cơ chế tháo gỡ. Khi đó ngành cơ khí mới phát triển được, nếu cứ để ngành này tự bơi, câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn.

 

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm. Trên cơ sở rà soát phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên tại Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu trên và để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành, các ngành công nghiệp trọng điểm được điều chỉnh tại Luật được quy định rõ trong nội dung Đề cương chi tiết của Luật, gồm CNHT cho các ngành: Dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô; Công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm và sinh học; Công nghiệp dệt may, da - giày; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, nhằm giúp cho ngành CNHT cơ khí nhanh chóng phát triển, không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

 

Vũ Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang