Chủ Nhật, 06/10/2024 16:32:43 GMT+7
Lượt xem: 165

Tin đăng lúc 09-09-2024

Công điện của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường sau bão số 3

Chiều tối ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký công điện về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3.
Công điện của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường sau bão số 3
Sáng ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp nhanh với các Cục, Vụ chức năng và đơn vị liên quan về công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 8/9/2024 gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 (bão Yagi) tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Công điện nêu rõ, trước tình hình cơn bão số 3 (bão Yagi) gây nhiều thiệt hại và có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường trong nước, nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và của UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024.

 

Bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão Yagi gây ra.

 

Chỉ đạo toàn lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

 

Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão Yagi; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.

 

Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng; báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.

 

Phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão Yagi gây ra để thu lời bất chính.

 

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản tỉnh, thành phố.

 

Chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới; đảm bảo an toàn trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão Yagi.

 

Duy trì chế độ trực, thông tin báo cáo theo quy định về tình hình thị trường, kịp thời nhận diện hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật thương mại mới có thể phát sinh trong điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt; triển khai kiểm tra, xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.

 

Đảm bảo sẵn sàng các điều kiện tốt nhất về nhân lực, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản tài sản, tài liệu và tham gia các hoạt động phòng chống bão lụt theo chỉ đạo các cấp thẩm quyền ở địa phương và đề nghị phối hợp của cơ quan liên quan.

 

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tình, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

 

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên; giao Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nắm tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ phụ trách theo quy định.

 

Sáng ngày 8/9, trước khi tham dự cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp nhanh với các Cục, Vụ chức năng và đơn vị liên quan về công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra.

 

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu đã được các doanh nghiệp đầu mối tại các địa bàn chủ động chuẩn bị đủ hàng cung cấp trong vòng 1-2 ngày. Ngay sau khi bão tan, hoạt động điều phối có thể trở lại bình thường.

 

Đối với việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không có tình trạng thiếu hàng vì nguồn cung khá đầy đủ; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Chỉ riêng tại các chợ truyền thống, giá nhóm hàng rau củ tăng nhẹ. Do mưa bão, việc vận chuyển cung cấp hàng hóa gặp khó khăn cục bộ tại một số khu vực. Các siêu thị vẫn mở cửa liên tục, nguồn cung đảm bảo. Hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn tính đến 9h sáng ngày 7/9/2024 thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà, ... đầy ắp trên các quầy kệ.

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cục vụ, đơn vị chức năng liên quan thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể:

 

Tập trung chỉ đạo các đơn vị ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống điện bị sự cố nhanh nhất, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; Ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất; Khắc phục sự cố gắn với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân;

 

Ngành điện triển khai phương án huy động phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực tại các địa phương không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng khắc phục lưới điện bị sự cố;

 

Tiếp tục chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện đúng quy trình, lưu ý dự phòng đón lũ do hoàn lưu bão, góp phần cắt lũ hạ du. Các hồ quan trọng như Hòa Bình, Thác Bà tăng lưu lượng xả tràn; tăng cường phát điện để hạ mực nước hồ dự phòng dung tích đón lũ do hoàn lưu bão;

 

Chỉ đạo các đơn vị toàn ngành sẵn sàng phương án ứng phó nếu xảy ra mưa lũ do hoàn lưu bão, đặc biệt khi một số khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do lũ;

 

Chỉ đạo các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân;

 

Chỉ đạo công tác truyền thông xã hội, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình đảm bảo cung cấp điện, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường.

 

Trên cơ sở tổng hợp tình hình, Bộ Công Thương kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố đường dây và trạm để khôi phục sớm nhất việc cung cấp điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

 

Đề nghị Chính quyền địa phương phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân trong mọi tình huống;

 

Chỉ đạo Sở Công Thương và các cơ quan chức năng địa phương rà soát và có phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn.

 

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị ngành năng lượng được nâng mức dự phòng vật tư, thiết bị thay thế để kịp thời ứng phó thiên tai;

 

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chỉ đạo khắc phục, khôi phục cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng Internet để phục vụ công tác khắc phục sự cố sau bão, khôi phục hoạt động cung cấp điện, xăng dầu; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời các thông tin về hoạt động chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để tạo tâm lý an tâm, an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

 

Đề nghị các Bộ, ngành (Quân đội, Công an) có phương án sẵn sàng cung ứng nhân lực, trang thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của bão và sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh do mưa lũ sau bão (nếu cần).

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang