Thứ Tư, 11/09/2024 07:51:46 GMT+7
Lượt xem: 726

Tin đăng lúc 16-09-2023

Câu chuyện sáng kiến tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Như chúng ta đã biết, theo yêu cầu phát triển trên chặng đường xây dựng và phát triển, Phong trào thi đua Lao động sáng tạo tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hình thành từ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Phong trào thi đua liên kết xây dựng NMLD Dung Quất. Từ nền tảng tạo dựng phong trào thi đua bền vững đó, Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR liên tục phát triển ngay từ những ngày đầu tiên đưa NMLD Dung Quất đi vào hoạt động thương mại.
Câu chuyện sáng kiến tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội và Phó Chủ tịch CĐCS Trương Thị Thu Hà là một trong 6 cá nhân được vinh danh “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” tỉnh Quảng Ngãi và nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi

Kết quả mang lại từ Phong trào thi đua đã góp phần đảm bảo Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho sự phát triển của BSR.

 

Với sự đồng thuận trách nhiệm, nhận thức sâu sắc vai trò của Lao động sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp, mỗi cấp Công đoàn nói chung và Công đoàn BSR nói riêng đã không ngừng đẩy mạnh Phong trào thi đua Lao động sáng tạo với nhiều bước phát triển mới trong việc thường xuyên đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương thức thi đua, cách thức tổ chức triển khai thực hiện nhằm huy động trí tuệ tập thể đề cao sáng kiến, cải tiến, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR đã ngày càng phát triển lớn mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành nét văn hóa kết tinh từ giá trị trí tuệ của Người lao động Bình Sơn. 

 

Việc tổ chức thực hiện thành công các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là Phong trào Lao động sáng tạo đang phát huy hiệu quả, góp phần khẳng định thương hiệu BSR trong sự phát triển của toàn Ngành và là động lực cho người lao động quyết tâm BSR vượt mọi khó khăn, thử thách, đặc biệt trong giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu - Giai đoạn vô cùng thử thách mà ở đó cần sự sáng tạo, tư duy đột phá, phát huy tối đa nội lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh hiệu quả, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao.

 

Ý thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào và lan rộng mãi”, ngay khi Công đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai sâu rộng hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động tại Công văn số 1673/TLĐ ngày 5/3/2021, Công đoàn BSR - đơn vị được Công đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn là đơn vị tổ chức điểm đã khẩn trương tổ chức triển khai tổ chức Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”.

 

Hiện nay, BSR đã xây dựng môi trường thuận lợi để khai thác hiệu quả nguồn tri thức của tất cả nhân viên để thỏa sức tham gia sáng kiến, cải tiến trên cơ sở: Đã hoàn thiện các quy chế, quy trình để thực hiện công tác sáng kiến - cải tiến và nghiên cứu khoa học; điện tử hóa công tác tiếp nhận và đánh giá các ý tưởng cải tiến và các sáng kiến thông qua hệ thống phần mềm KMS (Knowledge Management System) và Iportal; Chế độ khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác sáng kiến - cải tiến được quy định cụ thể trong quy chế và việc ghi nhận và khen thưởng được thực hiện thường xuyên và kịp thời, điều này đã thúc đẩy Phong trào sáng kiến-cải tiến ngày càng phát triển.

 

Trong suốt quá trình tổ chức triển khai Chương trình từ Giai đoạn 1 đến kết thúc Giai đoạn 2, Công đoàn BSR đã phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển triển khai bài bản việc xét chọn từng sáng kiến. Để có cơ sở đăng ký tham gia Chương trình, bộ phận Thường trực của Hội đồng Khoa học và Công nghệ BSR trình Hội đồng xét duyệt từng sáng kiến do người lao động đăng ký. Sau khi, có kết quả thông qua của Hội đồng, sáng kiến đó mới đăng ký trên hệ thống Chương trình. Vì vậy, mỗi sáng kiến của CBCNV BSR đăng ký trên hệ thống Chương trình là mỗi sáng kiến có chất lượng, thể hiện rõ hàm lượng chất xám và trí tuệ lao động của mỗi CBCNV xuất phát từ những đòi hỏi ngày càng cao trong công việc được giao tại đơn vị và tình yêu với Nhà máy để luôn trăn trở, tìm tòi để không ngừng tối ưu hóa, cải tiến, cải hoán để tốt hơn cho từng công việc và mang lại lợi ích kinh tế cho BSR. Đây là thành quả của tinh thần làm việc chuyên cần, tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, đào sâu suy nghĩ để mỗi ngày mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi sáng kiến cải tiến, góp phần phát triển BSR, mang lại lợi ích cho BSR.

 

Từ thành tích đạt được Giai đoạn 1 Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó phát triển”

 

Với quá trình tổ chức thực hiện Chương trình bài bản, quy củ, chuyên nghiệp và dựa trên cơ sở khoa học, bằng phương pháp tuyên truyền phù hợp được phát động, kêu gọi sự cam kết của tất cả các Ban/đơn vị tại Hội nghị Người lao động, sức lan tỏa ý nghĩa của Chương trình đã mang đến thành công cho BSR với việc xếp vị trí thứ Nhất toàn Tập đoàn với 383 sáng kiến, trong đó, BSR vinh dự có 01 Sáng kiến tiêu biểu xuất sắc có giá trị làm lợi cao cho BSR của tác giả Đinh Văn Nhân - Tổ trưởng Tối ưu hóa Công nghệ, Phòng Khoa học Công nghệ - Tối ưu hóa, Ban Nghiên cứu phát triển - Cây sáng kiến xuất sắc tiêu biểu, đại diện duy nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

 

 

Lãnh đạo BSR kiểm tra công tác vận hành sản xuất NMLD Dung Quất

 

Sáng tạo vì tình yêu và trách nhiệm với Công ty, hàng trăm sáng kiến của trí tuệ BSR đã đăng ký tham gia Chương trình mà ở đó, mỗi sáng kiến là một câu chuyện kể xuất phát từ hơi thở của thiết bị, công nghệ tại NMLD Dung Quất, một trong số đó là sáng kiến triệu đô do Tác giả Đinh Văn Nhân làm chủ biên.: Giải pháp tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha (NHT-CCR-ISOM) để tăng khả năng sản xuất xăng và tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại tại NMLD Dung Quất.

 

Giải pháp này xuất phát từ hiện trạng Cụm phân xưởng Naphtha bao gồm phân xưởng NHT-CCR-ISOM có nhiệm vụ chính là xử lý và chuyển hóa nguồn nguyên liệu Naphtha có RON thấp từ phân xưởng CDU để tạo ra cấu tử Reformate và Isomerate có RON cao để phối trộn xăng thương phẩm MG92 và MG95. Theo cấu hình của Nhà máy, với dầu thô Bạch Hổ (dầu thô cơ sở) có ít Naphtha nên công suất thiết kế cụm NHT-CCR-ISOM không cao (23.500 BPSD).

 

Với thực trạng thị trường xăng dịch chuyển theo hướng tăng MG95 và giảm MG92, nguồn dầu thô Bạch Hổ trong nước giảm dần yêu cầu Nhà máy phải nhập bổ sung các dầu thô ngoại có giá canh tranh thường có nhiều Naphtha. Do đó, việc nghiên cứu khai thác tối đa công suất cụm Naphtha là rất cần thiết để giúp Nhà máy tăng sản lượng xăng MG95 và tăng khả năng chế biến dầu ngoại. Anh Nhân cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, mô phỏng, thử nghiệm, triển khai áp dụng các giải pháp tối ưu chế độ vận hành, cải tiến thiết bị, cải tiến xúc tác để nâng cao công suất cụm Naphtha.

 

Giải pháp tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha NHT-CCR-ISOM được đưa vào ứng dụng trong thực tế vận hành sản xuất, cụ thể đã nâng được công suất phân xưởng NHT lên 135%, CCR lên 110% và ISOM lên 150% so với thiết kế, góp phần tăng sản lượng sản phẩm xăng của NMLD Quất, đặc biệt là xăng MG95, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của Công ty. Đồng thời, giải pháp cũng góp phần tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại trong điều kiện nguồn dầu thô nội địa (dầu Bạch Hổ và các dầu tương đương) ngày càng giảm sản lượng, góp phần đảm bảo an toàn vận hành và mang lại hiệu quả cao cho Công ty. Lợi nhuận mang lại từ việc tăng công suất cụm Naphtha từ 100% lên 135% công suất thiết kế được ước tính khoảng 15 triệu USD/năm (tương đương khoảng 350 tỷ đồng/năm).

 

Đến Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

 

Kế thừa và phát huy thành quả lao động sáng tạo tại Giai đoạn 1 của Chương trình, học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước “Lao động cải tạo xã hội, thi đua cải tạo con người” trên tinh thần “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, bước vào Giai đoạn 2 của Chương trình, Công đoàn BSR đã có những cách làm mới để mỗi sáng kiến luôn xuất phát từ nhu cầu tự thân của người lao động; BSR đã ban hành quy định về chế độ chính sách khen thưởng phù hợp cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác sáng kiến, cải tiến để khuyến khích CBCNV; điện tử hóa, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số các bước thực hiện trong việc đề xuất, đánh giá và xét công nhận sáng kiến nên Chương trình “1 triệu sáng kiến” có sức sống mạnh mẽ và được đông đảo người lao động nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và yêu cầu cấp thiết của phục hồi nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ, hưởng ứng phát động của Công đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tham gia hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch”, kế thừa và phát huy các thành tích đạt được trong Phong trào lao động sáng tạo, Công đoàn BSR đã chủ động tham gia tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình một cách thiết thực và có chiều sâu theo từng giai đoạn cụ thể sát đúng với tình hình thực tiễn tại đơn vị.

 

Có thể khẳng định rằng, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam cộng khổ của công nhân, viên chức, người lao động, đóng góp cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và BSR nói riêng. Đây là thành quả của tinh thần làm việc chuyên cần, tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, đào sâu suy nghĩ để mỗi ngày mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vì sự phát triển bền vững của BSR, mang lại lợi ích cho BSR.

 

 

 

Tập thể cán bộ, kỹ sư BSR nhận giải thưởng Nhà nước về KHCN 2022

 

Để Chương trình “1 triệu sáng kiến” được tổ chức triển khai đạt hiệu quả tốt nhất khi BSR là xếp thứ Nhất toàn Ngành về số lượng sáng kiến tham gia Chương trình với 1.417 sáng kiến, đạt 730,4%, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra 7.085/5.400 sáng kiến tham gia hưởng ứng Chương trình của Công đoàn Dầu khí Việt Nam, công tác chỉ đạo tổ chức Chương trình được BSR thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả. Thực tế tại BSR khi tham gia Chương trình, các sáng kiến đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn trong quá trình lao động sản xuất, từ lòng đam mê công việc với tinh thần yêu nghề, yêu lao động. Nhiều sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, phòng, chống dịch Covid - 19, trong đó, có rất nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ; đáp ứng kịp thời các yêu cầu, đòi hỏi mới về sản xuất kinh doanh của BSR.

 

Tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến Người lao động BSR tham gia Chương trình ước tính khoảng 700 tỷ đồng.

 

Ở Giai đoạn 2 Chương trình này, câu chuyện sáng kiến được đề cập đến tại Bài viết này đó là Sáng kiến “Giải pháp thay đổi chế độ vận hành cho quạt cấp khí air blower C-1501 tại Phân xưởng RFCC khi đã tiết kiệm năng lượng với giá trị làm lợi hơn 30 tỷ đồng/năm của Tác giả Bùi Huy Phong - Kỹ sư chính Thiết bị quay - Ban Bảo dưỡng sửa chữa, đại diện cho 1417 Sáng kiến đã tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến từ năm 2022 đến nay.

 

Phân xưởng RFCC của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một trong những phân xưởng công nghệ quan trọng, được thiết kế để chuyển hóa phân đoạn dầu cặn (Residue) từ phân xưởng chưng cất dầu thô khí quyển CDU. Mục đích của phân xưởng là chuyển hóa phân đoạn dầu cặn với sự có mặt của xúc tác thành các sản phẩm có nhiệt độ sôi thấp hơn và có giá trị.

 

Quạt cấp khí (Main Air Blower- MAB) C-1501 được thiết kế để cung cấp đủ lượng không khí cho quá trình đốt hoàn toàn cốc (coke) ở các thiết bị tái sinh và cung cấp khí để duy trì tuần hoàn xúc tác liên tục trong hệ thống. Đây là thiết bị tối quan trọng của phân xưởng RFCC và là trái tim Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Quạt cấp khí MAB C-1501 có 02 chế độ vận hành để điều chỉnh lưu lượng khí cấp: Thay đổi độ mở van IGV (Inlet Guide Vanes control mode) và thay đổi tốc độ (Speed control mode).

 

Từ khi đưa Nhà máy vào vận hành năm 2009 đến trước Bảo dưỡng tổng thể (BDTT) Nhà máy lần 3 (TA3 - tháng 8/2017), quạt chỉ được vận hành liên tục bình thường theo chế độ thay đổi độ mở van đầu vào “IGV control mode” theo tài liệu hướng dẫn vận hành của nhà sản xuất thiết bị MAN TURBO. Và theo tài liệu hướng dẫn nhà sản xuât gốc, chế độ vận hành thay đổi tốc độ quạt “Speed control mode” chỉ được lựa chọn để thực hiện quá trình sấy khô (dry out) vật liệu chịu lửa của cụm phản ứng - tái sinh trong lần khởi động đầu tiên sau khi hoàn thành xây dựng (intitial start-up) và chế độ vận hành này chưa được nghiên cứu, đánh giá, đề xuất và chạy thử nghiệm cho quạt để chạy liên tục trong vận hành bình thường.

 

Trong quá trình vận hành bảo dưỡng thực tế, khi phân tích, kiểm tra và so sánh các điểm vận hành với đường đặc tính của quạt với lượng không khí cần cung cấp cho phân xưởng RFCC thì việc thay đổi chế độ chạy quạt theo chế độ điều chỉnh lưu lượng không khí cấp bằng thay đổi tốc độ quạt (Speed control mode) sẽ tiết kiệm đáng kể lượng hơi cao áp (HP steam) tiêu thụ cho tuốc bin dẫn động quạt, điều này sẽ tiết kiệm lớn về kinh tế và giảm chỉ số cường độ tiêu thụ năng lượng của Nhà máy.

 

Tiết kiệm năng lượng là vấn đề cấp bách và là mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để đảm bảo vận hành Nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả với chỉ số tiêu thụ năng lượng EII bằng hoặc thấp hơn so với các Nhà máy khác trong khu vực và thế giới. Vì vậy, Anh Bùi Huy Phong cùng nhóm tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá và tham khảo tư vấn của nhà sản xuất thiết bị để có cơ sở đánh giá, đề xuất, chấp thuận, phê duyệt thay đổi, thực hiện chạy thử nghiệm và đưa vào vận hành bình thường liên tục chế độ thay đổi tốc độ của quạt trong vận hành bình thường để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ cho Nhà máy và góp phần giảm chỉ số cường độ tiêu thụ năng lượng EII.

 

Kết quả sáng kiến đạt được: Giúp tiết giảm lượng hơi cao áp tiêu thụ khoảng 8.3 ton/giờ. Lợi ích kinh tế mang lại từ việc áp dụng sáng kiến này trung bình khoảng 67,715,298,115 VNĐ/năm (Bằng chữ: Sáu mươi bảy tỷ bảy trăm mười lăm triệu hai trăm chín mươi tám nghìn một trăm mười lăm đồng/năm); trong đó, lợi ích kinh tế tiết kiệm năm 2022 là 101,203,507,248 VNĐ/năm 2022 do giá nhiên liệu cao và nâng cao độ tin cậy của thiết bị và linh hoạt trong việc vận hành thiết bị khi có sự cố sử dụng một trong hai chế độ vận hành. Công trình có thể áp dụng cho các Nhà máy lọc dầu khác như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn vì cũng sử dụng quạt cấp khí chính (Main Air Blower) cho phân xưởng RFCC để cấp khí cho quá trình công nghệ. Ngoài ra, công trình còn có thể áp dụng cho các nhà máy công nghiệp khác có sử dụng quạt/ máy nén cấp khí để nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách điều chỉnh, thay đổi chế độ vận hành để tối ưu hiệu suất máy nén khí tiết kiệm năng lượng tiêu thụ.

 

Hiệu quả từ việc nuôi dưỡng Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR

 

Phong trào Lao động sáng tạo tại BSR nói chung và Chương trình “1 triệu sáng kiến” nói riêng thực sự trở thành điểm sáng, là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển sản xuất, tối ưu hoạt động Nhà máy, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm và quan trọng nhất là nâng tầm nhân lực, hiện thức ước mơ nguồn nhân lực chất lượng cao BSR đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua - Khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục mỗi ngày”, góp phần tạo nên vườn hoa thi đua lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến rộng khắp toàn Công ty, tạo nên sự bứt phát bằng trí tuệ, bản lĩnh của Người thợ Lọc dầu BSR khi luôn mang trong tim mình tinh thần sáng mãi khát vọng tiên phong; là động lực phát triển bền vững Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn trên chặng đường phát triển mới./.

 

Mỹ Hạnh

 


Tag:BSR

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang