Thứ Ba, 17/09/2024 18:03:46 GMT+7
Lượt xem: 3822

Tin đăng lúc 29-12-2016

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp: Góc nhìn từ các chương trình hành động

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của người lao động.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp:  Góc nhìn từ các chương trình hành động
Lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước ta nói riêng đang gặp khó khăn như hiện nay, đòi hỏi doanh nhân phải vững vàng hơn trong điều hành và tạo hướng đi cho DN. Cùng với đó, là một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp DN không chỉ trụ vững mà còn có thể phát triển trong tương lai.

 

Sau một năm thực hiện Luật Đầu tư và Luật DN mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố khảo sát về tình hình phát triển DN. Tính từ 1/7/2015, cả nước có gần 106.000 DN được thành lập mới với tổng số vốn là 767.900 tỷ đồng, tăng 28% về số DN thành lập và 42% về vốn đăng ký mới so với năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận sự thay đổi ở khâu thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập là 2,9 ngày, trong đó, Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhanh nhất là 1 ngày, Tiền Giang và Hậu Giang là 1,3 ngày và Đà Nẵng là 2,5 ngày. Điều đó đã thực sự giúp DN giảm được nhiều thời gian và chi phí để khởi động kinh doanh. Đây là minh chứng cho những đóng góp của 02 bộ Luật này trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN. Không những vậy, qua trực tiếp thị sát tại Phòng Đăng ký kinh doanh ở Đà Nẵng, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự thay đổi tư duy trong quản lý của cán bộ cấp cơ sở.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Huy Đông cho biết: “Chúng tôi thấy các cán bộ của Phòng Đăng ký kinh doanh của Tp.Đà Nẵng không có khái niệm làm việc đến 5h chiều là đóng cửa, DN đến và được rút phiếu cho tới phút cuối cùng của 5h và ngồi chờ để nhân viên của phòng đăng ký kinh doanh làm việc bất kể thời gian. Có những hôm thậm chí làm việc đến 8h tối, để xử lý bằng xong các hồ sơ mà DN mang đến để DN không phải chờ đợi lâu”.

 

Không chỉ thay đổi tư duy ở cán bộ cấp cơ sở trực tiếp tiếp xúc DN, mà không khí hỗ trợ DN cũng đang lan tỏa ra các tổ chức và hiệp hội ở địa phương. Điển hình là, đầu tháng 9 vừa qua, số điện thoại đường dây nóng của nhóm “Bác sĩ doanh nghiệp” đã được Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội tỉnh Bắc Ninh công bố chính là số máy của Viện trưởng Nguyễn Phương Bắc. Theo ông Nguyễn Phương Bắc: “Bác sĩ DN” Bắc Ninh là một mô hình hỗ trợ DN hoàn toàn mới ở Việt Nam, với tư cách là sự hỗ trợ của chính quyền tháo gỡ những khó khăn cho DN, trên nền tảng là phối hợp giữa mô hình bác sĩ doanh nghiệp với tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, cùng với đó là các Sở, ngành tham gia với thông điệp gửi tới doanh nghiệp là Thân thiện - Lắng nghe - Thấu cảm - Tận tâm”.

 

Sau một năm thực hiện Luật Đầu tư và DN đã đạt được những thành công nhất định, như đã quy định các DN được kinh doanh các lĩnh vực luật không cấm, điều này thể hiện tinh thần hiến định, giải phóng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện có những điều trong luật này cần tiếp tục được bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện hơn. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp quy định: Cứ có 10 lao động trở nên thì phải chuyển đổi thành DN, nhưng trên thực tế luật ban hành ra nhưng không vận dụng được. Do đó, một trong những kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi soạn thảo Luật DN nhỏ và vừa là cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính đến mức tối đa cho các DN mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thay vì kê khai thuế theo quý thì sẽ kê khai thuế hàng năm và sổ sách phải đơn giản.

 

Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh do Văn phòng Chính phủ tổ chức

 

Việc sửa đổi, bổ sung những vướng mắc nội tại của Luật Đầu tư và Luật DN cũng cần phải quan tâm đến một khía cạnh khác là cần nhanh chóng tháo gỡ sự chồng chéo, thiếu thống nhất và thậm chí là mâu thuẫn trong một số quy định của hai luật này với các luật chuyên ngành  khác. Việc chưa đồng bộ trong môi trường cải cách đầu tư kinh doanh như hiện nay đang gây ra những khó khăn cho cộng đồng DN. Một trong những thách thức để thực hiện thành công Luật DN và Luật Đầu tư là làm sao đưa tư duy đổi mới vào áp dụng thực tế cho doanh nghiệp. Theo rà soát trên 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh mới thấy sự chưa đồng bộ giữa các Bộ, ngành khi đặt ra điều kiện kinh doanh. Nhiều Bộ, ngành vẫn chú trọng vào khâu tiền kiểm, yêu cầu phải giải trình, yêu cầu về hồ sơ…, trong khi đó, Luật Doanh nghiệp mới là giảm công tác tiền kiểm và tăng công tác hậu kiểm.

 

Dưới góc độ là một nhà luật sư, ông Chương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng: “Việc đổi mới trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đó chỉ là thay đổi những cái quá cũ, mang tính bảo thủ trước đây. So với yêu cầu của cuộc sống, của DN và của hội nhập thì vẫn còn khoảng cách xa. Bên cạnh đó, hiện nay không còn phải là rà soát các thông tư, nghị định nữa, mà phải rà soát luật. Bỏ các điều kiện kinh doanh, các thủ tục, các quy định mang tính bắt buộc trong nhiều lĩnh vực, từ đó tiến tới giảm thiểu các thông tư, nghị định, quy định về kinh doanh để các DN có điều kiện tốt nhất phát triển kinh tế”.

 

Còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho DN, cùng với đó là cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các Bộ, ngành và địa phương, góp phần tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN.

 

Lê Tuấn Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang