Thứ Năm, 03/10/2024 21:34:22 GMT+7
Lượt xem: 2385

Tin đăng lúc 27-09-2023

Bắc Giang: Sản phẩm OCOP 4 sao khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp địa phương

Những năm gần đây, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ Sâm nam Núi Dành tại xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang được chính quyền và người dân quan tâm phát triển. Nhiều mô hình hoạt động hợp tác xã (HTX) ra đời; trong đó HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành (Núi Dành) là một đơn vị tiêu biểu.
Bắc Giang: Sản phẩm OCOP 4 sao khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp địa phương
Ông Thân Hải Đăng bên cây Sâm tổ

 

Năm 2021, sản phẩm Sâm khô của Núi Dành đã được UBND tỉnh Bắc giang cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Chứng nhận OCOP 4 sao góp phần khẳng định chất lượng Sâm nam Núi Dành, đồng thời hỗ trợ tích cực HTX mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Tiềm năng phát triển Sâm nam Núi Dành

 

Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang là xã miền núi, diện tích đồi núi chiếm trên 50% phân bố không đều, có những dải đồi chạy vòng quanh tạo thành ranh giới tự nhiên với các xã khác trong huyện; có những vùng đồi nằm nối tiếp nhau như bát úp vượt cao hẳn lên trên những xứ đồng tạo nên những cánh đồng xen kẽ trong địa bàn. Địa hình của xã cao về phía Tây, thoải dần về phía Đông - Nam. Độ nghiêng này đã tạo thành dòng chảy của các con ngòi và dòng kênh chạy qua. Khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa của đồng bằng trung du Bắc Bộ.

 

 

 

Nhà ông Thân Hải Đăng - Giám đốc HTX sản xuất & tiêu thụ Sâm nam Núi Dành nơi lưu giữ cây sâm tổ

 

Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng đã mang đến cho Việt Lập sản vật quý là Sâm nam Núi Dành. Sâm nam Núi Dành mọc trên núi Chung Sơn, hay còn gọi là núi Chuông. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 19 về tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), trang 91 viết: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới huyện Yên Thế, sản xuất sâm nam và cỏ thi (xã Bảo Lộc chính là xã Việt Lập ngày nay). Trang 173 lại viết: Sâm nam ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế, da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt không như sâm trồng ở nơi khác, da trắng và nhiều nhớt.

 

Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm chất chính trong sâm Núi Dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin. Hàm lượng saponin của sâm Núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – loài sâm quý hiếm và chất lượng nhất thế giới. Tương truyền vào thời Nguyễn, mẹ vua Tự Đức bị lòa, có vị lương y dâng cho bà vị thuốc chế từ sâm Núi Dành, sau đó bà khỏi bệnh, mắt sáng trở lại. Từ đó sâm Núi Dành trở thành sản phẩm tiến Vua hàng năm.

 

 

Sản phẩm OCOP 4 sao khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp địa phương

 

Đã có thời gian Sâm nam Núi Dành gần như bị tuyệt chủng. Giá trị chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế của cây Sâm nam Núi Dành bị bỏ quên. Tiềm năng phát triển của cây Sâm nam Núi Dành chỉ được đánh thức vào khoảng những năm 2010, khi các cơ quan, ban ngành của địa phương vào cuộc nghiên cứu, đánh giá và khuyến khích phát triển.

 

 

Ông Thân Hải Đăng giới thiệu về sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô đạt OCOP 4 sao

 

Ông Thân Hải Đăng - Giám đốc HTX Sản xuất & Tiêu thụ Sâm nam Núi Dành cho biết: Gia đình tôi có gốc sâm tổ được các cụ để lại. Ban đầu chúng tôi chưa ý thức được giá trị của giống cây này. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền chúng tôi đã bảo tồn, phát triển, nhân rộng được giống cây quý này.

 

Cũng theo ông Thân Hải Đăng, năm 2020, ông cùng 11 thành viên trong xã Việt Lập đã đi đầu thành lập HTX để đưa hoạt động trồng, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ Sâm nam Núi Dành được quy mô, bài bản. Hiện nay, HTX có hơn 10ha trồng sâm, sản xuất 4 loại sản phẩm chính: Sâm nam Núi Dành khô; Rượu ngâm sâm; Sâm ngâm mật ong; Nụ hoa sâm khô. Trong đó, sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận công bố sản phẩm OCOP 4 sao.

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - PCT UBND xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang trao đổi với chủ thể OCOP và tem nhãn mác sản phẩm nhằm nâng tầm thương hiệu Sâm nam Núi Dành

 

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Lập, được biết hiện nay, Sâm nam Núi Dành đã trở thành sản phẩm chủ lực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương. Năm 2021, Sâm nam Núi Dành đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm Sâm nam Núi Dành khô đạt OCOP 4 sao đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho bà con nhân dân trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, hoạt động trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Sâm nam Núi Dành của bà con nhân dân đã ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, vừa phát huy được tiềm năng của địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

 

Sâm nam Núi Dành cho thu hái hoa vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, sau 5 năm bắt đầu cho thu hoạch củ. Giá nụ hoa sâm khô dao động từ 600 – 800.000/kg khô; củ sâm khô dao động từ hơn một triệu đến vài triệu đồng/kg. Chất lượng các sản phẩm từ cây  Sâm nam Núi Dành đã được khẳng định, được người tiêu dùng cả nước biết đến. Trên địa bàn xã Việt Lập, nhiều người nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ trồng cây sâm quý này.

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang