Thứ Ba, 08/10/2024 00:08:38 GMT+7
Lượt xem: 5886

Tin đăng lúc 26-12-2015

5 công nghệ giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường

Nạn ô nhiễm là “sản phẩm phụ” mà con người tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Để đối phó với vấn nạn ô nhiễm môi trường, Tạp chí Discovery giới thiệu 5 công nghệ mới đang được phát triển, có thể giúp chúng ta giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm trong tương lai.
5 công nghệ giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm nước

 

Trên thế giới hiện nay, cứ khoảng 3 người thì có 1 người thiếu nguồn nước uống sạch. Nguyên nhân là do lượng mưa ngày càng ít, hoặc do những khó khăn trong việc vận chuyển nước từ sông hồ đến khu dân cư, hoặc là do nguồn nước bị ô nhiễm. Việc uống phải nước bị ô nhiễm có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả hay kiết lỵ.

 

Công nghệ nano - công nghệ xử lý vật chất ở cấp độ phân tử – hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc làm sạch nước. Công ty Marelize Botes ở Nam Phi đã phát triển thành công mẫu túi lọc nước có hình dáng tương tự một gói trà túi lọc; chiếc túi này được làm từ sợi nano đã được xử lý qua quá trình dioxid để có khả năng diệt khuẩn, bên trong túi chứa đầy hạt than hoạt tính có khả năng hấp thụ cặn bẩn trong nước.

Một thiết bị lọc nước khác là LifeStraw được công ty Thụy Điển Vestergaard Frandsen thiết kế và chế tạo năm 2005 đã được phổ biến rộng rãi và phát huy hiệu quả vô cùng cao. Giá cho mỗi chiếc LifeStraw chỉ khoảng 3 đô-la, hơn nữa nó rất dễ sử dụng, một em bé 3 tuổi cũng có thể dùng ống LifeStraw để uống nước trực tiếp từ nguồn nước mà không sợ bị nhiễm khuẩn.

Ô nhiễm không khí

Năm 2009 các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng việc hít thở không khí ô nhiễm trước khi sinh sẽ làm giảm chỉ số IQ sau này. Các nghiên cứu đã cho thấy những đứa trẻ thường xuyên ở trong môi trường có không khí ô nhiễm thì điểm số IQ thấp hơn khoảng 5 điểm so với những trẻ ít tiếp xúc với không khí ô nhiễm hơn.

Ở thủ đô Lima của Peru, nơi không khí đang bị ô nhiễm nặng nề, người ta đã cho lắp đặt những “siêu cây” do hãng Tierra Nuestra sản xuất ở vài khu vực xung quanh thành phố. Đây là thiết bị có khả năng bắt chước cơ chế hô hấp của 1 cái cây thực, có nghĩa rằng nó có thể hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2. Không khí ô nhiễm sau khi đi vào hệ thống này sẽ được chạy qua một hệ thống lọc bằng nước để loại bỏ khí CO2 cũng như một vài loại vi khuẩn. 

Một “siêu cây” có thể làm sạch khoảng 200.000 mét khối không khí một ngày – tương đương công suất của 6 cây thật – với giá thành đầu tư ban đầu khoảng 100.000 đô-la.

Ô nhiễm đất

Mỗi ngày con người thải ra hàng tấn rác thải trong quá trình sinh hoạt. Khi được đổ đống ở những bãi rác, những chất thải rắn này sẽ phân hủy và làm nhiễm đất đai, nước ngầm trong khu vực và tệ hơn nữa là có những chất thải không phân hủy mà cứ nằm đó hàng nhiều thế kỷ. Vì lý do đó mà các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều công nghệ xử lý rác thải giúp giải quyết vấn đề.

Tại Đại học Dublin, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại vi khuẩn không những có khả năng tiêu hóa bọt chất dẻo mà còn có thể chuyển hóa nó thành một loại chất dẻo có thể tái sử dụng. Đầu tiên chất dẻo này phải được nấu chảy trong điều kiện không có oxy, sau đó chuyển thành dầu styren. Vi khuẩn sẽ ăn hợp chất này và thải ra PHA – một loại chất dẻo có thể tự phân hủy.

Một vài công nghệ khác giúp chúng ta xử lý vấn nạn rác thải điện tử đang gây đau đầu nhiều nhà chức trách hiện nay. Công nghệ mới hướng tới việc sản xuất các loại điện thoại di động bằng các loại vật liệu có thể tái chế; hay các khoa học gia Trung Quốc đã tìm được cách tái sử dụng các chất keo dán và nhựa cây từ bảng mạch của những chiếc máy tính cũ để chế tạo hàng rào hay ghế ngồi trong công viên.

Ô nhiễm ánh sáng

Trước đây, theo lẽ tự nhiên thì con người sẽ dừng các hoạt động sản xuất khi màn đêm buông xuống, nhưng khoảng 1 thế kỷ trở lại đây, cuộc sống của con người có thể diễn ra cả ngày lẫn đêm, suốt 24 tiếng trong cả 7 ngày. 

Mặc dù việc kéo dài thời gian hoạt động này giúp tăng năng suất sản xuất hàng hóa và thêm thời gian cho các hoạt động giải trí khác, tuy nhiên việc sử dụng ánh sáng bừa bãi có thể gây tổn hại lớn đến sức khỏe như làm thay đổi nhịp sinh học, gây ra chứng khó ngủ hoặc mất ngủ, hơn nữa việc sử dụng ánh sáng không khoa học còn có thể phá hoại các hệ sinh thái.

Một giải pháp nhiều hứa hẹn cho vấn đề này là sử dụng đèn thông minh như mẫu đèn BetaLED được một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học California-Davis phát triển. Hiện được sử dụng tại các bãi đỗ xe, mẫu đèn này có một công tắc đặc biệt có thể tự chuyển đổi cường độ ánh sáng yếu/mạnh khi có chuyển động trong bãi xe nhờ vào một thiết bị cảm biến chuyển động. Công nghệ mới này giúp tiết kiệm đến 75% lượng điện tiêu thụ so với kiểu đèn thông thường.

Ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng đáng lưu ý trong thời đại ngày nay, nhất là ở nước đang phát triển, chưa đạt tới trình độ văn minh cần thiết trong nếp sống. 

Tiếng ồn là một tác nhân liên quan đến mọi người, già hay trẻ, đi ra đường hay ở nhà, hoặc đến nơi làm việc… Ô nhiểm tiếng ồn có hại cho sức khoẻ. Tiếng ồn còn có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.

Hiện tại, cách giải quyết loại ô nhiễm đặc biệt này nằm ở các cơ quan có chức năng quản lý xã hội. Cần đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố (không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành); ở thành phố và nhất là trong những chung cư, không được làm ồn sau 10 giờ đêm; không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường… nhất là về ban đêm…

 

Nguồn: Moitruong.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang