Thứ Sáu, 19/04/2024 15:59:55 GMT+7

Tin đăng lúc 15-09-2019

Lượt xem: 3981

Xuất khẩu dệt may: Bao giờ cơ hội chuyển hóa thành giá trị?

Với ưu đãi về thuế và cơ hội xuất khẩu hấp dẫn, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từng được kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng nhảy vọt cho dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sang thị trường này còn ở mức khiêm tốn.
Xuất khẩu dệt may: Bao giờ cơ hội chuyển hóa thành giá trị?
Doanh nghiệp dệt may cần tận dụng ưu đãi về thuế

Thị trường Nhật Bản khó nới tăng trưởng

 

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10, Nhật Bản là thị trường truyền thống, cũng là thị trường điểm của May 10. Tuy nhiên, nếu đặt Nhật Bản trong khối CPTPP, May 10 không được hưởng nhiều lợi ích. Nguyên do, Nhật Bản đã có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, May 10 đã đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu cũng như hưởng ưu đãi từ thị trường này.

 

Thậm chí, như lời ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, quy định về nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản chỉ từ vải, dễ thở hơn rất nhiều so với quy tắc xuất xứ từ sợi trong CPTPP. Do vậy, cho dù có CPTPP, công ty vẫn rất khó nới mức tăng trưởng tại thị trường này.

 

Thực tế với CPTPP, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều kỳ vọng vào việc khai thác các thị trường mới như Australia, Canada. May Sài Gòn 3 đã "nhanh chân" tìm đối tác, xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD giá trị hàng hóa vào Australia, Canada và Nhật Bản. May 10 cũng đã gặp gỡ khoảng 50 nhà nhập khẩu của Canada và đang phát triển mẫu mã, sản phẩm phù hợp, tiến tới ký kết hợp đồng. Tuy nhiên Australia, Canada là thị trường có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm, lại là thị trường mới, cần nhiều thời gian cho DN tiếp cận.

 

Mặt khác, chi phí đầu vào tăng cao khiến giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam ngày một mất ưu thế cạnh tranh. Trong khi đó, sức mua toàn cầu đang có xu hướng giảm, nhiều nhà nhập khẩu, trong đó có nhà nhập khẩu Nhật Bản chuyển đơn hàng sang sản xuất tại Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar… Với bối cảnh trên, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhận định, trong ngắn hạn, CPTPP sẽ chưa tạo sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

 

Tạo liên kết với nhà nhập khẩu

 

CPTPP đã có hiệu lực, nếu các DN dệt may trong nước không nhanh tận dụng, rất có thể các ưu đãi này sẽ rơi vào DN có vốn đầu tư nước ngoài, chưa kể nguy cơ gian lận xuất xứ đang được các chuyên gia "cảnh báo đỏ". Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi không dễ bởi quy tắc xuất xứ từ sợi trong CPTPP đang làm khó DN trong nước. Ngay cả với May Sài Gòn 3, tuy đã xuất khẩu sang một số nước trong khối CPTPP, tuy nhiên chỉ một phần rất nhỏ hàng hóa được ưu đãi thuế quan, còn lại phần lớn vẫn phải chịu thuế 10% do nguyên liệu cho sản xuất được nhập khẩu từ ngoài khối CPTPP.

 


Giải pháp cho vấn đề này, đồng thời gia tăng xuất khẩu sang thị trường khối CPTPP trong những tháng còn lại của năm, ông Phạm Xuân Hồng cho hay: May Sài Gòn 3 sẽ thảo luận với nhà nhập khẩu những sản phẩm có thể đáp ứng yêu cầu về nguyên phụ liệu sau đó mới ký kết đơn hàng. Về lâu dài, May Sài Gòn 3 kết hợp với DN để tạo ra nguồn nguyên phụ liệu phù hợp về xuất xứ, bảo đảm chất lượng.

 

Cho rằng giải pháp trên không chỉ phù hợp với May Sài Gòn 3 mà còn phù hợp với các DN dệt may trong nước ở bối cảnh hiện tại, ông Trương Văn Cẩm bày tỏ: Nhà nhập khẩu luôn cho rằng, DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về nguyên phụ liệu; nếu khách hàng không đặt yêu cầu cụ thể, DN trong nước rất khó tự sản xuất. Do vậy, giải pháp liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi liên kết, từ đó đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ là khả thi. Thực tế, đã có những DN làm theo giải pháp trên và thành công như Dệt lụa Nam Định liên kết với nhà nhập khẩu Nhật Bản sản xuất, xuất khẩu ổn định vải len may áo comple sang thị trường này.

 

Ông Trương Văn Cẩm cũng khuyến cáo, CPTPP có quy định ngoại lệ gồm 187 mặt hàng được phép nhập khẩu nguyên phụ liệu ngoài khối mà vẫn công nhận xuất xứ, trong đó 8 mặt hàng được phép nhập khẩu trong vòng 5 năm; các mặt hàng còn lại được công nhận vĩnh viễn. Do vậy, DN trong nước nên tận dụng quy định này để sớm gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP.

 

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Để xuất khẩu lâu dài sang thị trường khối CPTPP, dệt may Việt Nam cần sự hỗ trợ của Chính phủ xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm chuyên biệt, giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang