Thứ Sáu, 26/04/2024 02:08:16 GMT+7

Tin đăng lúc 14-02-2021

Lượt xem: 1470

Xuân về trên những cánh đồng vàng

Không khí xuân đang len lỏi khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng căn nhà mang theo hy vọng về một năm mới với những điều tốt đẹp hơn. Và trên những vườn cây, vườn rau, những cánh đồng, người nông dân Thủ đô đang vào mùa thu hoạch. Một mùa vàng lại đến trong ăm ắp niềm vui...
Xuân về trên những cánh đồng vàng

Rung vườn trái ngt, cây xanh

 

Những ngày cuối năm Canh Tý, khi mọi người, mọi nhà đang tất bật với công việc còn lại của năm cũ và trang hoàng nhà cửa chào đón năm mới, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm đến các vùng trồng cây ăn quả, trồng rau đang mùa thu hoạch.

 

Về xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước “bức tranh” xuân ấm áp - một mùa vàng bội thu, để rồi đắm mình vào những vườn bưởi Diễn chín rộ. Nâng niu những quả bưởi đến ngày thu hoạch, ông Phùng Văn Hà - Giám đốc Hợp tác xã Núi Bé tâm sự: “Sau hơn 10 năm bén duyên ở đất Nam Phương Tiến, giờ đây, cây bưởi Diễn đã có thương hiệu, được người Hà Nội đánh giá cao về chất lượng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng theo quy trình VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã mang lại hiệu quả tích cực, giá bán trong khoảng 25.000-30.000 đồng/quả, cao hơn 5.000 đồng/quả so với mọi năm. Để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong dịp Tết, Hợp tác xã Núi Bé chọn quả đẹp đóng hộp với mẫu mã ưa nhìn, bán ra thị trường với giá 150.000 một hộp (ba quả). Doanh thu của hợp tác xã lên tới 600 triệu đồng/ha/năm. Nhiều nông dân “đổi đời” từ trồng cây bưởi Diễn…”.

 

 

Rời vườn bưởi Diễn ở xã Nam Phương Tiến, chúng tôi tới những vườn cây trĩu quả của xã Kim An (huyện Thanh Oai). Nơi đây như một nông trường với những xe tải tất bật vào ra và không khí nhộn nhịp thu hoạch ổi, bưởi, cam Canh. Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Mùa cho biết: “Cách đây 6 năm, khi cây cam Canh không còn cho năng suất cao như trước đó, tôi đã chuyển sang trồng bưởi Diễn cảnh và trồng cây bưởi giống. Có lúc tưởng như đứng bên bờ thất bại nhưng giờ thì vườn bưởi Diễn thật sự là những “thỏi vàng”, mỗi năm cho thu nhập tới 2-3 tỷ đồng. Năm nay, khách vào tham quan và mua tại vườn rất đông, nhưng tôi vẫn giữ lại một số bưởi cảnh để mang ra trưng bày và bán tại hội chợ hoa Tết”.

 

Nói về những vườn cây ăn quả trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim An (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Hải cho biết, trước đây, Kim An có 130ha cam Canh, hiện nay chỉ còn hơn 10ha. Người dân nơi đây giàu lên từ trồng cam Canh, nhưng loại cây này đã bị lão hóa, cho năng suất thấp nên chuyển sang trồng bưởi Diễn, ổi, táo... thu nhập trung bình 400-500 triệu đồng/ha/năm. “Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất màu mỡ này hợp với cây ăn quả. Mỗi dịp xuân về lại mang đến những mùa vàng bội thu”, ông Hải hồ hởi nói.

 

Sau khi trải nghiệm những cảm giác nhẹ nhàng, thư thái ở các vườn cây ăn quả, chúng tôi tới những cánh đồng rau an toàn xanh bạt ngàn, thẳng cánh cò bay, nơi nông dân đang thu hoạch vụ rau Tết. Ông Nguyễn Văn Biên ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Tháng áp Tết, người trồng rau bận bịu, vất vả hơn với những đơn đặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân Hà Nội. Mặc dù, trồng rau vất vả hằng ngày, nhưng nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên với diện tích 3 mẫu đã cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm”.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) thông tin, hiện trên địa bàn xã có hơn 200ha trồng rau, trong đó có 134ha đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha rau được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đa dạng các loại rau phục vụ thị trường Tết, bên cạnh loại rau ăn lá, củ cải, người dân nơi đây còn trồng thêm nhiều loại rau gia vị. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, xã Tráng Việt cung cấp ra thị trường 400-500 tấn rau các loại/tháng. Đặc biệt một số loại củ cải trồng theo phương pháp hữu cơ đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Những cánh đồng rau cho thu nhập trung bình 600-800 triệu đồng/ha/năm. Người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang...

 

 

Để có nhng mùa vàng no m

 

Năm nay, rau quả được mùa. Tới với những vườn cây, vườn rau trên khắp thành phố, có thể cảm nhận hy vọng, niềm vui đang ngập tràn nơi nơi. Thế nhưng, để có thật nhiều mùa vàng bội thu, mùa xuân no ấm thì việc xây dựng những vùng sản xuất tập trung, hàng hóa có quy mô lớn là “bài toán” không dễ dàng.

 

Nói về những định hướng cho tương lai, ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) vẫn đau đáu một nỗi niềm, làm sao để các sản phẩm rau an toàn của xã được tiêu thụ nhiều hơn nữa qua các hợp đồng, đưa trực tiếp tới các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, siêu thị... Để làm được điều đó, trước hết, cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng cho vùng rau an toàn…, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Ông Đua cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường hỗ trợ người sản xuất tham gia quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xuân để nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các loại rau mang thương hiệu Đông Cao.

 

Còn ông Nguyễn Kim Thụ ở thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai) bày tỏ: “Sang năm mới, cùng với việc tạo sự ổn định thương hiệu sản phẩm cam Canh Kim An, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn xây dựng thương hiệu các loại quả khác như ổi, táo... và việc dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường”.

 

 

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để mỗi mùa xuân về, người nông dân lại có những mùa vàng bội thu, trong năm mới Tân Sửu 2021 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại... “Năm 2021, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay, nhiều mặt hàng như: Bưởi Diễn Chương Mỹ, cam Canh Kim An, rau an toàn Đông Cao đã chinh phục được các siêu thị, cửa hàng tiện ích… Đó là sự khởi đầu tốt đẹp, đưa các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội vươn ra thị trường trong nước và hội nhập với thị trường thế giới”, ông Chu Phú Mỹ khẳng định.

 

Đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp vào dịp này, chúng tôi cảm nhận được những mùa vàng no ấm đang theo chân người nông dân từ vườn cây, cánh đồng về đến những ngôi nhà. Có thu nhập cao, người nông dân có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống, có những cái Tết sung túc hơn. Và hy vọng về những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang ngập tràn trong mỗi người nông dân cùng tư duy canh tác mới, trên cánh đồng đã bao đời gắn bó.

 

Một mùa xuân mới đang về, những mùa vàng bội thu đang đến với mỗi người nông dân Hà Nội.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang