Thứ Tư, 24/04/2024 12:50:39 GMT+7

Tin đăng lúc 17-07-2020

Lượt xem: 1146

XK 6 tháng cuối năm: Khó khăn vẫn bủa vây

6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD.
XK 6 tháng cuối năm: Khó khăn vẫn bủa vây
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn (Ảnh: TL)

Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ thực sự bị tác động mạnh trong quý II/2020, sau khi dịch Covid-19 lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN… 

 

'Ngấm đòn' trong quý II 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD.

 

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý II/2020 đã giảm 5,8% so với quý I/2020 và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 115,66 tỷ USD. 

 

Nhiều ngành chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Đơn cử, lượng đơn hàng của ngành dệt may bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%. 

 

Cùng chung tình cảnh, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ.

 

Đối với mặt hàng điện tử, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỷ USD, tăng 24,2% nhưng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%.

 

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2020, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

 

Đáng lo ngại, doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019). 

 

Trong nguy vẫn có cơ

 

Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.

 

Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

 

Trước tình hình làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 có thể quay trở lại, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm. Điều này sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn. EVFTA sẽ tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, EVFTA cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nội địa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản bởi khi EVFTA có hiệu lực, lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn EU sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hiện nay.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang