Thứ Sáu, 19/04/2024 05:18:59 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2016

Lượt xem: 7095

Xí nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành: Thành công bởi tâm sáng, chí lớn và tình yêu quê hương

Chúng tôi về Thái Bình vào một buổi sáng đầu hè, dưới cái nắng oi ả, không nghĩ rằng giữa một vùng quê lúa yên bình, nơi được mang tên “Chị Hai năm tấn”, đất chật người đông này lại có sự nhộn nhịp, náo nhiệt của tiếng thoi đưa, máy dệt rộn ràng đến thế!
Xí nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành: Thành công bởi tâm sáng, chí lớn và tình yêu quê hương
Công nhân của Xí nghiệp đang làm việc tại xưởng sản xuất

Vừa đặt chân đến đầu làng Mẹo, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chúng tôi đã thấy ngỡ ngàng trước cảnh trù phú nơi đây, đường ngõ bê tông rộng rãi, nhà cao tầng san sát mọc lên, làng xóm ngập tràn màu xanh của sự ấm no, sung túc. Chúng tôi hỏi thăm vào Xí nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành – một trong những cơ sở có kim ngạch xuất khẩu khăn bông hàng đầu Việt Nam, quả thật, khi vào mới biết những điều mà trước đây chỉ nghe đồn, hoặc được biết qua đài, báo.

 

 

Diện tích nhà xưởng rộng 3000m2 vừa là nơi sản xuất của công nhân, cũng là nơi chưa nguyên liệu sản xuất

 

Xí nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành (Nathatex) chuyên sản xuất & cung cấp các sản phẩm khăn bông cao cấp như: Khăn tắm, khăn mặt, khăn ăn, khăn tay,... sử dụng cho gia đình, khách sạn, resort, spa, gym, quà tặng sự kiện... Sản phẩm được dệt từ sợi bông tự nhiên (100% cotton), nên có bề mặt mềm mịn, độ thấm hút nước cao, tạo cảm giác dễ chịu và an toàn cho người sử dụng. Được thành lập từ năm 2001, qua 15 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, hiện Nathatex đã đáp ứng được thị trường trong nước và một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… Sản phẩm của Công ty được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm cao.

 

 

Công đoạn đóng gói khăn để xuất khẩu sang nước ngoài

 

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Đinh Đức Cải – Giám đốc Xí nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, mặc dù phải quản lý hơn 300 công nhân cùng với việc xuất, nhập hàng hóa, khiến ông lúc nào cũng bận rộn, tuy nhiên, ông vẫn dành thời gian cho các phóng viên. Với nụ cười tươi, thân thiện, phong cách cởi mở và chia sẻ, điều đó cắt nghĩa vì sao ông lại được lòng mọi người công nhân đang làm việc tại đây. Ông cho biết, tên xí nghiệp được ghép từ tên người con trai thứ nhất và thứ ba, nhà có 4 người con, tất cả đều thành đạt, đã có gia đình, công việc ổn định, hai người con trai hiện đang kế nghiệp ông, hai cô con gái đang là công chức Nhà nước.

 

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, ông Cải tâm sự, ông đã tổ chức dây chuyền sản xuất may, nhưng chỉ với quy mô hộ gia đình. Khi nắm bắt được diễn biến của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, ông bắt đầu thành lập xí nghiệp. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông đã nếm trải biết bao khó khăn chồng chất, những thủ tục pháp lý để xây dựng cơ sở ban đầu rất phức tạp và qua nhiều khâu, trong đó khó nhất vẫn là đất đai mặt bằng và vấn đề nhân lực để triển khai công việc. Ông bảo: “Lúc đó tiền nong, vốn liếng vô cùng hạn hẹp, tài sản chỉ có ngôi nhà thế chấp chẳng được là bao so với nhu cầu, thiếu thốn đủ thứ”.

 

Không nản lòng, nhụt chí, ông quyết tâm thực hiện bằng được. Với những nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi trở ngại, ông đã đi từ số 0 dần lên số 1 và đến giờ có cả một dinh cơ nhà xưởng rộng 12.000m2, cùng với hơn 300 công nhân trực tiếp làm việc tại xưởng, ngoài ra còn có các cơ sở vệ tinh dệt và may phân bố tại khắp các xã trong huyện. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 3,5 triệu/tháng/người, xí nghiệp của ông còn giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông nhàn địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, mỗi năm xuất khẩu khoảng trên 1000 tấn khăn sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

 

Thời điểm hiện tại, khi mà thị trường sản xuất khăn bông xuất khẩu sang một số nước trên thế giới đang có sự cạnh tranh khốc liệt, xí nghiệp ông cũng đang phải đương đầu với “cuộc chiến” này. Trước thực trạng đó, bản lĩnh của người đứng đầu xí nghiệp như ông lại phải suy nghĩ tính toán cẩn thận, chi tiết. Ông đã dày công tìm tòi các giải pháp hiệu quả từ kinh nghiệm thực tế và kịp thời điều chỉnh cho hợp lý với đơn vị mình. Theo ông, điều quan trọng giúp xí nghiệp sau 15 năm thành lập, đến nay vẫn trụ vững, phát triển vượt bậc và là một trong 3 đơn vị tại KCN Thái Phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đó là phải biết vận dụng các khâu sản xuất vào từng giai đoạn, từng thời điểm để phát triển, vì mỗi thời điểm lại có sự thay đổi, chứ không phải theo công thức dập khuôn máy móc, không thể lúc nào cũng sử dụng những phương pháp cũ, cách thức quản lý cũ mà phải thường xuyên điều chỉnh, đổi mới và sáng tạo. Theo ông Cải: “Cứ để cho nó phát triển một cách tự nhiên, theo quy luật cung – cầu của thị trường, cái đó là hợp lý nhất, công bằng nhất. Công ty nào cũng phải có đối sách riêng để giữ, mỗi công ty có một kiểu làm, có một định hướng và quan điểm khác nhau, cốt cách là chung, nhưng chính sách thì không công ty nào giống công ty nào”.

 

 

Sản phẩm khăn bông của Xí nghiệp được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn sử dụng

 

Ngoài việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, hiện tại xí nghiệp còn chú trọng đẩy  mạnh mạng lưới tiêu thụ trong nước, các sản phẩm khăn bông được phân phối tại các siêu thị lớn như Metro. Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Phương Nam – Phụ trách kinh doanh trong nước cho biết: “Hiện tại và sắp tới, xí nghiệp cũng đang mở rộng mạng lưới kinh doanh trong nước, tuy nhiên, sẽ không mở rộng nhiều và ồ ạt. Mặc dù Xí nghiệp mới chỉ bắt đầu mở rộng và khai thác thị trường nội địa khoảng 2 năm gần đây, nhưng doanh số tăng lên cũng khá ấn tượng, từ 200 triệu/tháng, sau một năm lên 400 triệu/tháng trong năm thứ 2”.

 

Là giám đốc của một xí nghiệp thuộc hàng có tên tuổi, trong một địa phương nổi tiếng là có nhiều tỷ phú, vì vậy, gia đình ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi không chỉ ở thôn, xã mà trên địa bàn toàn tỉnh, bởi ông quan niệm: “Tiền của làm ra thì quý thật, nhưng bao nhiêu rồi cũng hết, giúp được người trong lúc khốn khó là điều nên làm, không kể là người trong nhà hay ngoài xã hội, nếu cảm thấy giúp được thì tôi sẵn sàng giúp”.

 

Rời xí nghiệp, chia tay ông khi trời đã quá trưa, hình ảnh về một làng quê trù phú, đầm ấm, giàu có, sung túc ấy cứ ẩn hiện mãi trong mắt tôi bằng sự khâm phục và ngưỡng mộ, bởi nhờ những công ty như của gia đình ông mà góp phần làm cho quê hương, làng xóm và người dân ngày thêm ấm no, hạnh phúc. Có được thành công trong thương trường là bởi con người ông có một bản lĩnh kiên cường, bền gan, vững chí, quyết tâm vượt qua mọi gian nan, thử thách để thực hiện bằng được ước muốn của mình, cùng với đó là lòng yêu quê hương, mong muốn cho quê hương thoát nghèo, người dân được no đủ. Tâm sáng, chí lớn và niềm tin mạnh mẽ đã trở thành động lực, giúp ông thành công tiếp nối thành công. Những thành tích đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cùng với sự nỗ lực cố gắng của ông đã tạo nền tảng cho Xí Nghiệp Dệt may Xuất khẩu Nam Thành luôn khẳng định được chỗ đứng, thương hiệu của mình trên thương trường trong nước và quốc tế. Tin tưởng rằng thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu của Xí nghiệp ước đạt 2.500 tấn/năm sẽ thực hiện được trong tương lai gần.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang