Thứ Sáu, 19/04/2024 10:04:53 GMT+7

Tin đăng lúc 09-06-2017

Lượt xem: 3867

Xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt: Cần một hội nghị “Diên hồng”

Mặc dù hệ thống phân phối trong nước thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài. Một số thương hiệu bán lẻ có tên tuổi của Việt Nam đã bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại, hoặc tham gia mua cổ phần, từng bước thâu tóm... Trước thực tế này, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải làm gì để tự cứu mình?
Xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt: Cần một hội nghị “Diên hồng”
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ DN Việt vượt qua khó khăn

Trao đổi giữa phóng viên Tú Anh với  ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia thương mại sẽ giúp chúng ta hiểu thêm vấn đề này.

 

PV:Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về sự xuất hiện ngày càng tăng các thương hiệu bán lẻ của nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, việc các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam là điều tất yếu, quan trọng là chúng ta phải quan sát khi họ vào thì thị trường nội địa chúng ta được những gì trong sản xuất, phân phối và gặp khó khăn gì khi họ thâm nhập thị trường trong cuộc cạnh tranh không cân sức ở thị trường Việt Nam.

 

PV: Thực tế này đã và đang gây ra những khó khăn, bất lợi gì cho các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam, thưa ông?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài, họ có 4 cái mạnh lớn như: vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu. Đấy là doanh nghiệp FDI, kể cả doanh nghiệp bán lẻ liên doanh với Việt Nam. Họ sẽ chịu đựng một vài năm để có thể hòa vốn và đứng chân ở thị trường, giữ gìn khách hàng. Sau đó đầu tư vào sản xuất để thu mua lại hàng hóa. Metro là một ví dụ, trước đây họ lập các trung tâm thu mua hàng hóa. Với cách đó, tính chuyên nghiệp về chất lượng, giá cả họ hơn hẳn, còn chúng ta hết sức khó khăn, trong điều kiện sản xuất, phân phối nhỏ lẻ, kể các siêu thị Việt.

 

PV: Có một thực tế là trong những năm trước, việc một số tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như Metro, Big C, Parkson… xuất hiện ở thị trường Việt Nam, đã tạo ra một cuộc ganh đua, theo đó nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực tham gia xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa ở thị trường trong nước và vận hành khá hiệu quả. Nhưng gần đây, một số doanh nghiệp đã bán lại hệ thống cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc phải bán bớt cổ phần. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Có một số như là Family mart, Fivimart, siêu thị điện máy Nguyễn Kim bán khoảng 30-49%, xu hướng mua bán sáp nhập cũng diễn ra ở các nước, không chỉ ở Việt Nam. Điều quan trọng là khi chúng ta bán một phần vốn cho nước ngoài, chúng ta đi với họ, có học tập được gì không hay rồi bị thôn tính nốt? Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một Thứ trưởng Bộ Công Thương trong Hội nghị bán lẻ đã nói “Các anh ở trong nước đòi hỗ trợ nhưng hỗ trợ xong thì lại bán cho nước ngoài” như thế hóa ra hỗ trợ nước ngoài? Cho nên việc mua bán sáp nhập thì phải xem lại vấn đề này, có quy định chặt chẽ nhất là các công ty Nhà nước, Tổng Công ty Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa sắp tới.

 

PV: Theo ông, hoạt động ngay tại thị trường trong nước, nhưng tại sao các doanh nghiệp bán lẻ của chúng ta lại không thể làm tốt công tác thu mua, tạo mối liên kết giữa sản xuất và phân phối?

          

Ông Vũ Vinh Phú: Bốn điểm yếu của chúng ta chính là 4 điểm mạnh của nước ngoài, chúng ta chưa làm được việc này. 70% các doanh nghiệp trong nước là ngồi ở “máy lạnh” đợi người ta mang hàng đến, không có khả năng thu mua. Thứ hai là, không có khả năng liên kết với sản xuất, liên kết yếu. Chúng ta lại gây áp lực với nhà cung ứng, ví dụ như đòi chiết khấu cao, thanh toán chậm, gây khó khăn cho việc đưa hàng vào siêu thị, các hệ thống bán lẻ. Chính chúng ta đang tự làm yếu chúng ta. Hay các Tổng công ty nNhà nước ở Hà Nội có hàng trăm mạng lưới, địa điểm kinh doanh được giao thì họ lại cho thuê, liên kết hết một nửa. Như thế còn đâu mạng lưới phục vụ nhân dân? Tất cả những thứ đó làm chúng ta yếu đi trước sức mạnh của FDI.

 

PV: Những bất cập này, theo ông nên xử lý như thế nào?

                  

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi, phải tổ chức một hội nghị “Diên hồng” về bán lẻ, để tìm ra sáng kiến, đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ với Chính phủ, các bộ, ngành, để có thể phần nào hỗ trợ thêm doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn hiện nay như tiếp cận vốn, đất đai, mạng lưới phân phối, liên kết sản xuất… Cách làm ăn của chúng ta kém bền vững. Chúng ta phải điều tra, tổng hợp kỹ để có bức tranh đầy đủ về thị trường như thị trường nông thôn còn trống vắng, để tiếp tục trụ vững trên sân nhà trong cuộc cạnh tranh này.

         

PV: Sự xuất hiện của những thương hiệu Việt mới trên thị trường bán lẻ như hệ thống Vinmart, chuỗi các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, an toàn liệu có tạo ra được cục diện mới hay lấy lại sự cần bằng cho các doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi này, thưa ông?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Đấy là xu hướng tích cực mà chúng ta cần khuyến khích, khuyến khích quan trọng không phải là vật chất, lãi suất 0% như chương trình bình ổn giá mà Hà Nội mới bỏ. Vấn đề là cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng để cho cạnh tranh bình đẳng, chống chuyển giá, chống làm ăn không lành mạnh, trốn thuế… Tôi cho Vinmart là gương mặt mới nổi và Sài Gòn Coop là hai đơn vị có cách làm ăn tử tế và nhân văn. Hệ thống Vinmart người ta giảm chiết khấu một năm cho các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống và còn khuyên nhà cung cấp hạ giá bán. Tôi cho đó là chiều hướng tích cực và các nhà bán lẻ khác phải học tập để vươn lên. Quan trọng là liên kết và những nhân tố này chúng ta phải nhân lên, tạo thành tập đoàn bán lẻ mạnh để đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài.

 

PV: Theo ông, hiện nay để các doanh nghiệp bán lẻ trụ vững ở thị trường trong nước thì cần quan tâm những vấn đề gì?

          

Ông Vũ Vinh Phú: Đối với doanh nghiệp thì cần tự giác xây dựng thương hiệu của mình, không phải đợi sự hỗ trợ nhà nước, mà bây giờ sự hỗ trợ không có nhiều. Thứ hai là, phải làm ăn tử tế và có chiến lược lâu dài. Hiện nay, 3 cấp bộ ngành, doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam. Thứ 3 là, làm ăn phải có sự liên kết, khâu bán lẻ và trung gian hiện nay “ăn quá dày” hơn khâu sản xuất, như thế sẽ thui chột hết toàn bộ và tự chúng ta hại chúng ta. Và cuối cùng là làm ăn có văn hóa, trách nhiệm với người tiêu dùng. Đối với nhà nước, việc bảo hộ cho bán lẻ không cần thiết lắm, mà quan trọng là bảo vệ sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống phân phối để hàng Việt có thể đứng vững. Việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi cho phép thành lập thêm hệ thống phân phối thứ hai không có tác dụng, vì doanh nghiệp nước ngoài đều “lách” hết, bằng cách mua -bán,  sáp - nhập và chỉ sau 1-2 năm họ đã mở rộng được kênh phân phối. Chúng ta không có những rào cản hữu hiệu để có thể ngăn bớt nhà đầu tư nước ngoài xâm nhập vào thị trường. Chúng ta phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, để các doanh nghiệp cùng “bơi” trên vạch xuất phát. Người tiêu dùng, thị trường sẽ đánh giá công bằng với các nhà bán lẻ kể cả trong nước và ngoài nước. Chúng ta phải chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, đây là xu hướng thế giới đã làm từ lâu rồi.

 

PV: Tại sao vấn đề bán lẻ “nóng” như vậy, nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được chiến lược, quy hoạch bài bản, thưa ông?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi theo dõi bán lẻ suốt mấy chục năm. Một số chuyên gia đã nói, chúng ta mải mê mở cửa, hội nhập, nhưng không quan tâm xây dựng chiến lược bán lẻ. Chiến lược bán lẻ bao gồm cả đầu vào sản xuất nữa cho nên đã thua trận. Thứ hai là, cam kết mở cửa của chúng ta đôi lúc quá nhanh. Ví dụ như cho doanh nghiệp nước ngoài bán các sản phẩm thiết yếu nông sản, ở các nước khác người ta có rào cản rất kỹ. Thứ 3, những ưu tiên của chúng ta lại dành cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước nhiều quá, như: đất đai, bình ổn giá, những cái bao cấp đã làm méo mó thị trường, không cạnh tranh được. Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đi xin địa điểm phải mất 3 năm, nhưng FDI thì chỉ vài tháng, hay doanh nghiệp Nhà nước lớn cũng rất được ưu ái. Điều đó cản trở cạnh tranh bình đẳng. Thứ 3 là, chúng ta không tạo được môi trường minh bạch. Như vừa rồi xử lý Metro chuyển giá mấy trăm tỷ. Cái này quản lý nhà nước phải công bằng để mọi người kinh doanh sòng phẳng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ ngân sách, trách nhiệm với người tiêu dùng, doanh nghiệp nội, ngoại thì cũng phải xử lý như nhau. Chính chúng ta đang làm yếu chúng ta trên mặt trận bán lẻ trong quá trình vừa qua. Rõ ràng, những đề án hỗ trợ thì mới thực hiện được khoảng 30%, còn 70% vẫn trên giấy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện những hỗ trợ có thể, không vi phạm cam kết của WTO để hy vọng cứu vãn phần nào thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn còn đang trống vắng, nên phải tiếp tục đưa vào khai thác.

 

PV: thành phố các doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Để chiếm lĩnh được thị trường nông thôn chúng ta phải làm như thế nào thưa ông?

         

Ông Vũ Vinh Phú: Thị trường nông thôn thì chưa phải sức mua cao, hoặc chúng ta chưa tạọ sức mua cho bà con. Nên phải thiết lập hệ thống phân phối, chân rết cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ ở quy mô hợp lý. Chúng ta phải hướng dẫn cho bà con tổ chức sản xuất sạch, sản xuất rõ ràng, có doanh nghiệp vào cuộc, thu mua lại hàng hóa cho bà con. Chúng ta đưa hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng qua điều tra nhu cầu ở thị trường nông thôn. Thị trường thành phố đang khó khăn thì phải bươn trải thêm ở thị trường nông thôn để đỡ phần nào khó khăn cho thị trường bán lẻ nội địa. Việc này theo tôi phải làm khoa học, bài bản, có trách nhiệm. Hiện nay chúng ta làm chưa sâu, thị trường nông thôn còn trống vắng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nước ngoài họ sẽ lấn vào.

          

PV: Theo ông cần có nhạc trưởng cho thị trường bán lẻ này như thế nào?

          

Ông Vũ Vinh Phú: Nhạc trưởng Trung ương là Bộ Công Thương, nhạc trưởng địa phương là Sở Công Thương, cơ quan quản lý là quan trọng nhất, thêm nữa là sở Nông Nghiệp và PTNT - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Các đơn vị này, phải tham mưu cho Chính phủ đưa chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nội địa thì mới cạnh tranh được. Đồng thời khuyến khích những doanh nghiệp tâm huyết. Chúng ta phải đầu tư cho sản xuất là cái gốc, rồi mới đầu tư cho hệ thống phân phối. Những đồng tiền thuế của nhân dân thì phải thiết kế, đầu tư bài bản thì hy vọng trong 5-10 năm nữa công nghiệp bán lẻ nội địa của Việt Nam mới có thể phát triển.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Tú Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang