Thứ Sáu, 29/03/2024 13:28:03 GMT+7

Tin đăng lúc 14-06-2021

Lượt xem: 2142

Vốn FDI chảy vào Hải Dương bất chấp đại dịch COVID-19

Bất chấp làn sóng COVID-19 thứ 4, tổng vốn đầu tư FDI tại Hải Dương trong 5 tháng đầu năm đạt 244,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn FDI chảy vào Hải Dương bất chấp đại dịch COVID-19
Công nhân làm việc trong KCN Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương

Tính đến hết tháng 5/2021, Hải Dương có hơn 480 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 9.100 triệu USD và tổng vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 6.400 triệu USD. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư FDI tại Hải Dương đạt 244,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Để đạt được sự tăng trưởng này là đóng góp của các dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng tăng vốn. 5 tháng đầu năm, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 10 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký 98 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 22 dự án, với tổng vốn tăng thêm là 139,2 triệu USD.

 

Hầu hết các dự án cấp mới tại tỉnh Hải Dương đều tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Đơn cử như dự án nhà máy sản xuất mỹ phẩm General Glory Việt Nam của nhà đầu tư General Glory Inc Limited (Hồng Kông, Trung Quốc). Dự án được tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 1/2021, sử dụng khoảng 94.843 m2 đất tại xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD. Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ sản xuất 25.600 tấn mỹ phẩm; 8.500 tấn sản phẩm từ nhựa phục vụ một phần cho việc đóng gói mỹ phẩm như các đầu thẻ ép, hộp màu, vòi, nắp...

 

Cùng với dự án nhà máy sản xuất mỹ phẩm General Glory Việt Nam, hàng loạt các dự án được cấp mới khác như: Dự án thành lập Công ty TNHH Công nghệ WELCO Việt Nam để sản xuất, gia công và lắp ráp bảng mạch điện tử với vốn đầu tư 25,8 triệu USD; dự án May Tinh Lợi 3, vốn đăng ký 35 triệu USD; nhà máy sản xuất đồ chơi Jun Cheng Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jun Cheng Việt Nam với tổng vốn đăng ký 12 triệu USD.

 

Ngoài ra, các dự án được điều chỉnh tăng vốn như: dự án của Công ty CP Chemilens Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 21,6 triệu USD; dây điện Sumidenso của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (Nhật Bản) tăng vốn thêm 39 triệu USD… cũng được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương.

 

Sự xuất hiện của những dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn phần nào khẳng định Hải Dương đang là điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo giá trị gia tăng cao, tăng giá trị xuất khẩu và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động. Một con số chứng minh, trong những năm qua, quy mô vốn đầu tư FDI vào Hải Dương trung bình đạt 10 triệu USD/dự án. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong 5 năm trở lại đây chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Hải Dương.

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Hải Dương suốt thời gian qua, việc Hải Dương vẫn duy trì được tốc độ thu hút đầu tư được coi là một tín hiệu vô cùng đáng mừng. Để tiếp đà tăng trưởng, tỉnh Hải Dương đã xác định phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư FDI là yếu tố then chốt.

 

Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, giai đoạn 2020-2025, Hải Dương xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh. Để tạo thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, địa phương đang quy hoạch phát triển thêm từ 10-15 KCN mới với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Cũng theo ông Thăng, Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư hạ tầng KCN thu hồi đất, GPMB, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sớm lấp đầy các KCN.

 

Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng trong các KCN sẽ là đòn bẩy tạo ra hệ sinh thái công nghiệp, từ đó thu hút thêm được nhiều dự án đầu tư FDI đến từ các tập đoàn lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… vào Hải Dương.

 

Nhìn lại những ngày đầu khi Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch, thành lập 3 KCN với diện tích 320ha đến nay, con số ấy đã tăng cả về chất và lượng với 18 KCN, tổng diện tích 3.517ha. Trong số 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, hiện Hải Dương có 14 KCN với tổng diện tích 2.567 ha đã được thành lập.

 

Trong đó, có 11 KCN hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, với diện tích 1.732ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt 82% trên tổng diện tích đất công nghiệp đã được bàn giao, thu hút 12 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.100 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số trên 300 dự án của các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia, vùng, lãnh thổ đang hoạt động tại các KCN của Hải Dương, có đến 234 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 4,7 tỷ USD.

 

Theo ông Lê Hồng Diên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, đơn vị sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để tạo sự thống nhất, nhanh gọn khi giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư. Trong đó, tập trung vào các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cho thuê đất, giao đất, cấp giấy phép xây dựng, môi trường... Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…

 

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty An Trang cho biết, việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thị trường tại Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vận tải. Khi các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy tại Hải Dương đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đơn hàng được kí kết và xuất đi. Nếu doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận được với nguồn hàng này thì sẽ giải quyết được bài toán về việc làm cho người lao động, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang