Thứ Ba, 16/04/2024 11:55:19 GMT+7

Tin đăng lúc 17-03-2020

Lượt xem: 2202

Vĩnh Phúc đối thoại với doanh nghiệp để khắc phục khó khăn bởi dịch Covid-19

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Thăng Long (Vĩnh Phúc) để nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, đồng thời trao đổi về các giải pháp khắc phục khó khăn mà Covid-19 gây ra.
Vĩnh Phúc đối thoại với doanh nghiệp để khắc phục khó khăn bởi dịch Covid-19
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối thoại với doanh nghiệp về phòng chống Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời dịch bệnh

Cuộc đối thoại này do ông Lê Duy Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Cục thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và UBND huyện Bình Xuyên.

 

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc gặp khó khăn. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đều ở giai đoạn bắt đầu đi vào hoạt động hoặc đang trong quá trình vận hành chạy thử.

 

Ban quản lý khu công nghiệp cho biết: “Trước mắt sự ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa nhiều, nhưng hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động khá thận trọng”.

 

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp khắc phục khó khăn mà tỉnh Vĩnh Phúc đang và sẽ triển khai như thế nào là vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất tại buổi đối thoại.

 

Nói với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh triển khai quyết liệt nhất công tác phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho mọi người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Trong đó, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả bước đầu rất tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như đồng hành, tạo điều kiện cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

 

Đơn cử như đến nay, toàn bộ các trường hợp nhiễm Covid-19 trong tỉnh đều đã được điều trị khỏi. Các trường hợp nghi nhiễm được cách ly y tế kịp thời và tuyệt đối không để phát sinh ca nhiễm mới.

 

Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, kiên quyết hạn chế tối đa các tình huống phát sinh. “Các doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư vào Vĩnh Phúc có thể hoàn toàn yên tâm triển khai các thủ tục theo quy định”, ông Lê Duy Thành phát biểu.

 

Để sản xuất được duy trì, không bị đình trệ, các nhà đầu tư đề nghị linh hoạt việc cách ly đối với các trường hợp lãnh đạo, công nhân của doanh nghiệp từ nước ngoài vào tỉnh đã có xét nghiệm âm tính.

 

Đồng thời Chính phủ và chính quyền tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay…

 

Các doanh nghiệp cũng nêu ý kiến về việc miễn đóng khoản thuế giá trị gia tăng và các khoản thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp chế xuất nhập trang thiết bị và nguyên vật liệu; và việc kê khai, chốt sổ bảo hiểm xã hội điện tử… Kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, đưa ra những điều kiện cụ thể để doanh nghiệp được áp dụng là doanh nghiệp chế xuất – EPE.

 

Trả lời các nhà đầu tư và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và nguồn lao động.

 

Với đề xuất linh hoạt việc cách ly người nước ngoài vào tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân trong doanh nghiệp cũng như người dân Vĩnh Phúc nên cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định.

 

Trả lời câu hỏi liên quan đến điều kiện để doanh nghiệp được áp dụng là doanh nghiệp chế xuất – EPE, ông Lê Duy Thành cho biết, thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện việc cấp phép theo đăng ký của doanh nghiệp và đúng với quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp chế xuất – EPE sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng và các khoản thuế nhập khẩu.

 

Để giải quyết nội dung này, Lãnh đạo tỉnh giao Ban quản lý các khu công nghiệp và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, số tiền thuế đã nộp, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, xong trước ngày 20/3 để tham mưu UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

 

Về ý kiến đề xuất được hỗ trợ để vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, ông Lê Duy Thành cho biết, tỉnh đã có công văn gửi Chính Phủ đề xuất hỗ trợ các khoản cho vay lãi suất thấp, giãn, hoãn, miễn giảm thuế… cho một số trường hợp.

 

Ngay khi nhận được văn bản đồng ý, tỉnh sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Trong quý I/2020, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút mới được 1 dự án với tổng vốn đầu tư gần 6 triệu USD. Lũy kế đến nay, khu công nghiệp đã thu hút được 10 dự án với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 240 triệu USD, diện tích đất được nhà đầu tư thứ cấp thuê và được các cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 36,03 ha.

 

Hiện nay Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đang tiếp tục có 1 nhà đầu tư Nhật Bản nữa đề xuất được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 11 triệu USD.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang