Thứ Sáu, 19/04/2024 08:38:08 GMT+7

Tin đăng lúc 05-07-2021

Lượt xem: 1656

Vĩnh Phúc: Công nghiệp hỗ trợ đang có sự bứt phá ngoạn mục

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc cơ bản trở thành một trong những trung tâm công nghiệp điện tử và công nghiệp phụ trợ lớn của cả nước, những năm qua, UBND tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là tiền đề quan trọng phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Cũng chính nhờ ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nên ngành CNHT của địa phương đang có sự bứt phá ngoạn mục.
Vĩnh Phúc: Công nghiệp hỗ trợ đang có sự bứt phá ngoạn mục
Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (Khu công nghiệp Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)

 

Xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng, làm tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, ngày 05/7/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án về khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, CNHT trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, CNHT Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phục vụ các ngành công nghiệp có công nghệ cao và sản xuất được các linh kiện và thiết bị hiện đại. Các sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao và tham gia sâu vào mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

 

Để hoàn thành Dự án đó, thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư phát triển CNHT; Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển CNHT; Xây dựng sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNHT và phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNHT; Đẩy mạnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho CNHT phát triển song hành với các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, mặt bằng... để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đạt hiệu quả.

 

Sau nhiều năm đẩy mạnh triển khai, đến nay, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT và đã giải quyết việc làm cho hơn 64.000 người lao động, tăng gần 7.500 nhân sự so với thời điểm 31/12/2020. Các doanh nghiệp CNHT đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung phục vụ 5 lĩnh vực, gồm: Sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; Cơ khí chế tạo; Sản xuất lắp ráp điện, điện tử; Công nghiệp dệt may, da giày; Sản xuất vật liệu xây dựng. Cũng chính nhờ những định hướng đúng đắn và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi tốt trong việc phát triển ngành CNHT tỉnh nhà, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu lĩnh vực CNHT điện tử trong các khu công nghiệp của tỉnh ước đạt 2,2 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 02 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là sự bứt phá ngoạn mục của ngành CNHT tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để tạo cho ngành CNHT phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT công nghệ cao và chi phí đánh giá công nhận đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo khu vực cho sản phẩm CNHT. Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án mới, hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên; Hỗ trợ 50% chi phí, lãi suất vay vốn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CNHT để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ 100% chi phí cho doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, phổ biến quy trình công nghệ sản xuất về sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh… Nhờ vậy, ngành CNHT của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, tăng sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

 

Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều thị trường, trong đó mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước G7 để chủ động thu hút đầu tư những dự án CNHT công nghệ cao, công nghệ mới, dịch vụ hiện đại, có hiệu ứng lan tỏa cao trong nền kinh tế.

 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ thu hút đầu tư và phát triển một số sản phẩm CNHT công nghệ vật liệu; bộ điều khiển; thiết kế vi mạch phục vụ cho lĩnh vực điện tử; các chất hoạt động bề mặt; chất phụ gia; lĩnh vực thiết bị chuyên dụng; phần mềm và dịch vụ phục vụ công nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn.

 

Thực tế cho thấy, không có nhiều địa phương xây dựng được cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành CNHT như Vĩnh Phúc. Bởi vậy, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, ngành CNHT của địa phương này sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, góp phần đắc lực đưa nền công nghiệp tỉnh nhà cất cánh cùng sự phát triển chung của đất nước.

 

Anh Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang