Thứ Sáu, 19/04/2024 06:22:32 GMT+7

Tin đăng lúc 09-03-2023

Lượt xem: 468

Việt Nam - Trung Quốc thiết lập sàn thương mại nghìn tỉ nhân dân tệ

Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, khi Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP.Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) được xây dựng xong.
Việt Nam - Trung Quốc thiết lập sàn thương mại nghìn tỉ nhân dân tệ
Khoai lang tím và nhiều loại nông sản của Việt Nam được Trung Quốc tăng cường đặt mua. Ảnh: Vũ Long

Hàng loạt hợp đồng mới đưa nông sản Việt sang Trung Quốc

 

Theo ông Tô Vạn Quang (Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng) - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (Trung Quốc), hiện tại, Đông Đằng có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải.

 

Trong đó, có nhiều thành phố giáp với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Doanh nghiệp này cũng đã thành lập văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai.

 

“Chiến lược của công ty chúng tôi sắp tới sẽ là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam. Thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại và đầu tư hai nước, thiết lập nên sàn thương mại nghìn tỉ nhân dân tệ (NDT).

 

Trong năm 2023, chúng tôi dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác. Chúng tôi rất mong kết nối với các vị đối tác tham dự online hoặc trực tiếp ở diễn đàn” – ông Tô Vạn Quang khẳng định.

 

Được biết, với sự giúp đỡ to lớn từ các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP.Phòng Thành Cảng.

 

Chính quyền TP.Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản.

 

Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

 

Với hệ thống kho lạnh này, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua hệ thống doanh nghiệp này sẽ tăng mạnh.

 

“Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP.Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm” – ông Tô Vạn Quang nói.

 

Sáng 8.3.2023, tại diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức, bà Trần Bích Ngọc – Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng cái nhấn mạnh: Tại TP.Móng Cái, hiện nay các hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Tháo gỡ khó khăn để phát triển thương mại song phương

 

Tuy nhiên, để phát triển xuất nhập khẩu song phương, bà Trần Bích Ngọc cũng đề nghị Bộ NNPTNT sớm thống nhất với phía bạn công nhận kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng 2 nước, rút ngắn thời gian thông quan; tăng cường kiểm soát rủi ro trong thông quan gắn với trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm để tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực thông quan.

 

“Đề nghị Cục thương vụ và Quản lý cửa khẩu Đông Hưng và các ngành chức năng khối cửa khẩu tiếp tục đồng hành, tích cực phối hợp cùng Ban quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và các ngành chức năng của Móng Cái cùng nhau báo cáo các cấp có thẩm quyền từng bước giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong cơ chế, chính sách quản lý thương mại biên giới của 2 bên còn có điểm khác biệt nhằm tạo tính ổn định, cùng nhau xây dựng mô hình cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng thành cặp cửa khẩu kiểu mẫu trên toàn tuyến biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển” – bà Ngọc nói.

 

Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tập trung chủ yếu tại lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên/cặp chợ bến biên mậu Đông Hưng. Lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm;

Riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020;

Trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang