Thứ Sáu, 19/04/2024 19:24:34 GMT+7

Tin đăng lúc 30-09-2021

Lượt xem: 972

Việt Nam đã hoàn thành 5/10 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong 17 mục tiêu của Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) do Liên Hợp quốc thống nhất ban hành năm 2015. Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam đã hoàn thành 5/10 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững

Mục tiêu số 12 này nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các nước thành viên của Liên Hợp quốc trong giai đoạn từ năm 2015 tới năm 2030. Việc thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững này có mối liên hệ chặt chẽ với hiệu quả triển khai các Mục tiêu khác trong Chương trình SDG, ví dụ như: giảm đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và việc làm, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, hệ sinh thái dưới nước, sự sống trên mặt đất…

 

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

 

Bộ Công Thương được giao 3 nhiệm vụ, trong đó có việc Chủ trì, tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải.

 

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là khung pháp lý đầu tiên của Việt Nam tiếp cận tổng thể và toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững số 12 (SDG 12) với những ưu tiên cụ thể cho Việt Nam.

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 5/10 mục tiêu của Chương trình đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành, bao gồm: Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; ứng dụng thí điểm và dần dần mở rộng đổi mới sinh thái cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; Áp dụng chứng nhận phân phối xanh; phát triển thành công và dần dần mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chính trong nền kinh tế; Cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững của các nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững và tỷ lệ phế liệu nhựa, giấy,và dầu thải sẽ được tái chế và tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi để tái chế và tái sử dụng.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, một số mục tiêu của Chương trình đang được gấp rút thực hiện và bước đầu có hiệu quả, gồm: 50% chất thải rắn xây dựng trong khu vực đô thị sẽ được thu hồi để tái chế và tái sử dụng; 85% chất thải rắn đô thị được tái sử dụng, tái chế, thu hồi để lấy năng lượng hoặc làm phân hữu cơ; Hoàn thành khung pháp lý và hướng dẫn về mua sắm công xanh và tăng tỷ lệ phần trăm của các sản phẩm bền vững trong mua sắm công; cải thiện khung pháp lý và hướng dẫn về việc thực hiện mua sắm công bền vững…

 

Minh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang