Thứ Sáu, 26/04/2024 06:00:44 GMT+7

Tin đăng lúc 02-10-2014

Lượt xem: 4476

Viện Dệt May đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng 02/10/2014, Viện Dệt May tổ chức Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Nhất. Đến dự buổi lễ có bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ. Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ông Lê Tiến Trường – UV HĐTV, Tổng Giám đốc và các thành viên HĐTV, Cơ quan điều hành và trưởng, phó các ban chức năng của Tập đoàn.
Viện Dệt May đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trao Huân chương của Nhà nước cho Viện Dệt May

 

Viện Dệt May (tiền thân là Viện Công nghiệp Dệt Sợi) được Hội đồng Chính phủ thành lập ngày 05/02/1969 với nhiệm vụ nghiên cứu qui hoạch và thực nghiệm khoa học kỹ thuật ngành dệt và sợi trong cả nước. Đến nay, Viện là cơ quan nghiên cứu phát triển thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội và Phân Viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật của Viện bám sát và phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành và Tập đoàn.

 

Năm 2007, Viện là một trong số các tổ chức nghiên cứu tiên phong trong việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí thường xuyên theo Nghị định 115 của Chính phủ, với tên gọi mới Viện Dệt may.

 

Với quyết tâm thực hiện tốt 2 nhiệm vụ là nghiên cứu và cung ứng dịch vụ, Viện đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cán bộgiàu kinh nghiệm. Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm được công nhận tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005; hợp tác thành côngvới nhiều tổ chức trong và ngoài nước phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao;tiến hành thử nghiệm mới theo các chuẩn quốc tế, có thể thử nghiệm 125 chỉ tiêu theo 415 tiêu chuẩn phương pháp thử quốc tế và quốc gia, trong đó có 28 chỉ tiêu an toàn và sinh thái dệt may.

 

Các Trung tâm thí nghiệm dệt may (TTC) tại Hà Nội và Trung tâm thí nghiệm Dệt may (TIC) tại TP HCM dần trở thành địa chỉ tin cậy của các khách hàng trong nước và quốc tế. Số lượng khách hàng, số lượng các chỉ tiêu thử nghiệm và doanh số thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm dệt may có những bước nhảy vọt. Năm 2008 các Trung tâm thí nghiệm của Viện có 2.797 hợp đồng thử nghiệm với 5.874 mẫu thử và 22.348 chỉ tiêu thử nghiệm, đạt doanh số 4.930 triệu đồng. Năm 2013 các trung tâm thí nghiệm dệt may của Viện có 10.652 hợp đồng thử nghiệm với 35.762 mẫu thử và 71.740 chỉ tiêu thử nghiệm, đạt doanh số 24.270 triệu đồng.

 

Bên cạnh dịch vụ thử nghiệm theo yêu cầu của khách hàng, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện tập trung vào các vấn đề gắn liền với thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệpdệt may, tích cực tham gia vào các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, Tập đoàn, các Sở KHCN. Trong những năm gần đây, Viện Dệt may là đợn vị chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Vịêt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020...

 

Ngoài ra, Viện tham gia nghiên cứu nguyên liệu mới, có tính khác biệt cao; phương pháp ứng dụngcác công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; xây dựng các phần mềm thiết kế, phần mềm tính toán và phân cỡ kích thước cơ thể người Việt Nam...góp phần tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dệt may do Tập đoàn Dệt May Việt Nam chủ trì và định hướng. 

 

Hợp tác quốc tế cũng là một trong những điểm sáng của Viện với việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các thiết bị mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ và các phương pháp thử nghiệm mới với các đối tác nước ngoài... Các dự án gần đây như: Dự án hợp tác Việt - Bỉ: giai đoạn 2001 - 2009; Hợp phần của Dự án Phát triển cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ do UNIDO tài trợ năm 2012; Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 2013,… Từ các dự án này Viện Dệt may có cơ hội tiếp xúc, trao đổi và ký kết nhiều hiệp định hợp tác với các đối tác như FITI, KITECH, DYETEC (Hàn Quốc); Città Studi SpA Biella, ICQ, Next Technology (Italia); Viện Dệt Đài Loan;…

 

Viện trưởng Nguyễn Văn Thông cho biết: “Sự hiệu quả của công tác nghiên cứu là cơ sở cho Viện Dệt may thực hiện được nhiều hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ và dịch vụ kỹ thuật, đảm bảo cho Viện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính theo nghị định 115 của Chính phủ. Các hoạt động của Viện ngày càng ổn định, đời sống CBCNV được cải thiện, thu nhập tăng đều qua các năm.”

 

Phát biểu tại Lễ kỉ niệm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chúc mừng và biểu dương những thành tích đã đạt được của Viện Dệt May trong 45 năm qua. Trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển, Viện Dệt May vẫn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và các đối tác. Đặc biệt, Viện là đơn vị nghiên cứu đi đầu trong thực hiện tự chủ về thu chi không chỉ của Tập đoàn mà còn của ngành và Bộ Công Thương.

 

Trong điều kiện ngành dệt may phát triển mạnh mẽ, yêu cầu áp dụng KHCN trong quản trị và sản xuất ngày càng cao. Cơ hội luôn đồng hành cùng thách thức, vì vậy thời gian tới là giai đoạn Viện Dệt May bứt phá và khẳng định thương hiệu.Không chỉ đầu tư vào nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện đại, Viện cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá và truyền thông để được nhiều đối tác trong và ngoài nước biết đến và tin tưởng hợp tác. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tin rằng với sự định hướng sát sao của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Viện Dệt May sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng với lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Viện.

 

Với kết quả đã đạt trong những năm qua, tại Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập, Viện Dệt May vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Cá nhân Viện trưởng Nguyễn Văn Thông vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng trong  dịp này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam quyết định biểu dương và trao tặng 20 triệu đồng cho tập thể lãnh đạo và cán bộ của Viện.

 

Cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ, các Bộ ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên Viện Dệt May các thế hệ, Viện trưởng Nguyễn Văn Thông khẳng định: “Với truyền thống đoàn kết, tinh thần học hỏi và sự kiên định dám nghĩ dám làm, Viện Dệt may chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu trở thành tổ chức hàng đầu trong nghiên cứu khoa học, tư vấn và cung cấp dịch vụ kỹ thuật dệt may; là trung tâm thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm dệt may được quốc tế công nhận; là công cụ của các cơ quan Nhà nước, trực tiếp là Tập đoàn Dệt May trong định hướng công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, quản lý công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm dệt may.”

 

VH

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang