Thứ Sáu, 29/03/2024 03:38:37 GMT+7

Tin đăng lúc 30-12-2019

Lượt xem: 1506

Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận thế nào?

Trước dư luận xôn xao về thông tin cựu cán bộ của UNESCO cho rằng “không có Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, đồng nghĩa với hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là danh xưng “ảo”, chúng tôi đã tìm hiểu trường hợp Dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh.
Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận thế nào?
Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều hành động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví Giặm. Ảnh: PV

Tại hội thảo chuyên đề “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể” do Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với Bộ VHTTDL, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 18.12, Tiến sĩ Frank Proschan - cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO cho rằng Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân.

 

Như thế có nghĩa là “không có Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại” mà chỉ có Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng tại một quốc gia nào đó. Công ước 2003 cũng bác bỏ việc xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới (nhân loại).

 

Theo đó thì đồng nghĩa với việc Hát Then, Ca Trù, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Quan họ Bắc Ninh hay Hát Xoan, dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh… đều không phải là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như đã từng công bố?

 

Một số ý kiến còn cho rằng từ trước đến nay, UNESCO không công nhận di sản nào là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

 

Trước dư luận nói trên, trao đổi với phóng viên, ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết: “Để được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã dày công phối hợp với nhiều cơ quan trung ương để chuẩn bị hồ sơ từ năm 2010.

 

Quá trình đó có sự tham gia của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL, tổ chức UNESCO…trải qua nhiều lần thẩm định, khảo sát thực tế.

 

Vào hồi 17h10 (23h10 giờ Việt Nam) ngày 27.11.2014, Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

 

Ông Hồ Mậu Thanh cho biết, tại phiên họp đặc biệt nói trên, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên làm Trưởng đoàn, và nhiều chuyên gia UNESCO, chuyên gia về di sản văn hóa của Việt Nam, đại diện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh... tham dự.

 

Khi tiếng gõ búa thông báo kết quả bỏ phiếu vang lên, đồng nghĩa với Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, cả hội trường như vỡ òa. Nhiều lãnh đạo các nước đến chúc mừng Việt Nam, tin vui nhanh chóng bay về, tạo ra niềm vui, niềm tự hào to lớn của đất nước và nhân dân hai tỉnh.

 

“Cho nên thông tin cho rằng UNESCO không công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là không chính xác”, ông Hồ Mậu Thanh nói.

 

Để chứng minh, ông Hồ Mậu Thanh giới thiệu phóng viên lên gặp ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng Phòng Quản lý di sản – Sở VHTT Nghệ An. Ông Thủy cho chúng tôi xem bản gốc Bằng ghi danh do UNESCO cấp.

 

Bằng này được bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và đại diện hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh vào ngày 31.1.2015, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.  

 

 

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

 

 

Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: QĐ

 

Nội dung bằng Công nhận (ghi danh) của UNESCO tạm dịch:

 

“Hội đồng liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể ghi (danh): Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách đại diện di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại dựa trên/theo đề nghị của Việt Nam

 

Việc ghi danh vào danh sách này góp phần đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn của di sản văn hoá phi vật thể và nhận thức về sự quan trọng của nó và khuyến khích các đối thoại tôn trọng sự đa dạng văn hoá.

 

Ngày 27.11.2014”.

 

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng Phòng Quản lý di sản – Sở VHTT Nghệ An giải thích: Do những tiêu chí về tính độc đáo, giá trị văn hóa và vai trò đối với đời sống cộng đồng, UNESCO tổ chức ghi danh một số di sản của các quốc gia vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không phải là một sự xếp hạng như cách hiểu thông thường, nhưng cần hiểu đây là một sự ghi nhận, tôn vinh giá trị di sản của các quốc gia. Việc ghi danh này gắn liền với cam kết của quốc gia có di sản phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

 

Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình dân ca không nhạc đệm bao gồm thể Ví và thể Giặm gắn liền với đời sống, hoạt động lao động sản xuất của cộng đồng dân cư hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.

 

Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người....

 

Theo Báo Lao Động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang